Bình an của Đức Giêsu phục sinh và Thánh Thần

28 April, 2019 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 966 Lượt xem

Câu chuyện Đức Giê-su phục sinh hiện ra với các môn đệ trong Tin Mừng Gioan (Ga 20,19-23) gợi cho tôi vài điểm suy tư xoay quanh tính từ “bình an” và danh từ “Thánh Thần”. Hy vọng qua những dòng suy niệm này, quí độc giả sẽ hoà nhịp cùng tôi đón nhận ơn Chúa như một khởi đầu của hành trình làm mới lại cuộc đời để sức sống của chúng ta được bình an.

Bối cảnh của câu chuyện được giới thiệu bằng những từ ngữ bi quan: cửa đóng kín, sợ hãi. Sứ điệp Tin Mừng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như được loan báo cho những người đang sống trong cảnh hạnh phúc, đầy đủ. Ngữ cảnh bi quan đang bàn đến, thoáng nhìn như là một trở ngại lớn cho sự kết nối giữa Thiên Chúa và con người, nhưng thật ra lại là cơ hội thuận tiện để con người biết rằng mình không phải là Đấng Toàn Năng. Xã hội hôm nay đang đóng khung mình nơi những thoả mãn đầy-đủ giả-tạo. Thành công trong học tập với những điểm số và bằng cấp danh dự trở nên nhạt nhẽo khi không tìm được một công việc phù hợp để nuôi sống và thăng tiến bản thân. Chức vụ và quyền bính cũng chẳng mang đến thư thái, an nhàn khi phải tìm cách giữ cho được vị trí đang có. Sức khoẻ và diện mạo cũng chẳng tìm cho mình sự thoả mãn dài lâu khi xung quanh chỉ toàn thực phẩm bẩn và tuổi tác dần dần cao lên. Tắt một lời, không ít người trong chúng ta đang đóng khung mình trong những vùng đất thư-thái giả-tạo. Các môn đệ của Đức Giê-su co ro trong căn phòng nhỏ, không muốn thoát mình khỏi nơi chốn tạm bợ ấy, cũng chỉ mong muốn được an nhàn, dễ thở. Ngôn ngữ Hy Lạp khi nói về “cửa bị đóng kín”, đã sử dụng từ “κλειώ” (k-le-i-ô) nghĩa là khoá chặt lại. Từ này có gốc là “κλεις” (k-le-is) nghĩa là chìa khoá. Khi đề cập đến “k-le-is”, văn hoá Hy Lạp diễn tả sự khẳng định về quyền năng: người nắm giữ chìa khoá là người có quyền trong gia đình, trong cộng đồng. Các môn đệ khoá chặt cánh cửa phòng, điều này âm thầm gán cho các ông hành vi có quyền nơi chính nơi ở của các ông, và cả chính mạng sống của các ông. Đức Giê-su hiện đến đứng giữa các ông. Chi tiết này phá vỡ lập luận vừa bàn. Cứ ngỡ các môn đệ là người có quyền trên chính cuộc đời các ông, các ông khoá cửa thì không mở được, đóng chặt cánh cửa cõi lòng thì không ai xâm nhập, nhưng thực sự không phải thế! Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ: Đức Giê-su vẫn đứng giữa các ông dù cửa vẫn khoá. Không ít lần trong đời, tôi nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của người khác, tôi đóng kín tâm trí mình trong vùng đất thư thái bản thân, tôi nghĩ mình có quyền nơi chính cuộc đời mình. Điểm suy tư này là cơ hội nhắc nhớ tôi quyền năng của Đấng Tạo Hoá trong cuộc đời tôi. Tôi vào đời không phải do sự toàn năng của bản thân để tự xuất hiện, nhưng lại là sự kế thừa, đón nhận những giá trị sống từ ba mẹ, cuộc đời. Không có quang hợp, không có nguồn nước sạch, không có sự giáo dục… thì tôi không thể hiện hữu và thăng tiến. Các môn đệ nhận ra giá trị chủ quyền cuộc đời họ nơi những câu chữ nhẹ nhàng của bản văn Gioan: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (20,20). Việt ngữ khi phiên dịch chữ “κύριος” (ký-ri-os) thường dùng chữ “Chúa”. Đây là cách phiên dịch đậm chất tôn giáo. Văn hoá Hy Lạp còn dùng chữ này để nói về người có địa vị trong xã hội, về người chủ. Thật lý thú, chỉ một chữ giản đơn nhưng lại lột tả sự kết nối âm thầm giữa những người đã đóng chặt cửa và người chủ của cuộc đời các môn đệ. Các ông vui mừng vì được thấy người chủ nắm giữ chìa khoá cõi lòng của các ông. Còn tôi và các bạn thì thế nào nhỉ? 

Sự sợ hãi mất mát điều gì đó trong đời khiến con người đóng chặt cửa lòng. Đây là dấu hiệu của thiếu thanh thản. Đức Ki-tô hiện đến, món quà Ngài ban tặng chỉ vỏn vẹn gói gọn nơi tính từ “bình an”. Văn hoá vùng miền một vài nơi ở Việt Nam ưa chuộng dùng chữ “bằng yên” hơn là từ Hán Việt “bình an”. Khi vật lý nói về tình trạng cân bằng của một vật, có hai trạng thái cân bằng: cân bằng tĩnh và cân bằng động. Một vật ở trạng thái cân bằng động sẽ bị mất cân bằng khi chịu tác động nhẹ của ngoại cảnh, ngược lại, cân bằng tĩnh diễn tả sự thăng bằng lâu dài hơn. Ví dụ khi đặt bình hoa ở vị trí gồ ghề, bình hoa có thể trụ được nhưng dễ ngã đổ, đây là cân bằng động; khi bình hoa được đặt trên mặt bàn phẳng tắp, bình hoa đạt được sự cân bằng bền lâu, đây là cân bằng tĩnh. Con người luôn mong muốn tìm cho mình trạng thái cân bằng dài lâu, nói nôm na giống trạng thái cân bằng tĩnh của vật lý. Như vậy chữ “bình” trong bình an là từ diễn tả sự cân bằng lâu dài và chữ “an” nói đến sự yên tĩnh. Văn hoá và truyền thống Hy Lạp cũng một cách diễn đạt như thế, từ “ειρήνη” (e-i-rế-nê) mang nghĩa bình an, có gốc từ “ειρω” (e-i-rố). Ngôn ngữ Hy Lạp vốn diễn đạt không những ý nghĩa của từ ngữ, nhưng ẩn chứa bên trong là cả kinh nghiệm của tiền nhân. Điển hình như động từ “e-i-rố” đang tìm hiểu. Trước tiên, đây là từ nói về sự phẳng lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này há chẳng phải là chữ cân bằng mà chúng ta vừa suy tư đấy sao? Không thể nào có bình an nếu không để lòng trí nghỉ ngơi. Làm sao tâm trí có thể thư giãn nếu lòng không bình an? Hơn nữa, từ “e-i-rố” còn là động từ làm cho yên tĩnh. Hoá ra, tính từ “bình an” là hệ quả của quá trình nghỉ ngơi thư giãn làm cho yên tĩnh, phẳng lặng. Nếu chỉ dừng ở đây, thì ngôn từ Hy Lạp “e-i-rố” vẫn còn khuyết một ý nghĩa đặc sắc, đó là hoà nhập, hoà hợp, kết hợp. Bình an không là một nỗ lực tự bản thân tạo nên do nghỉ ngơi yên tĩnh. Sự hoà nhập nói lên sự kế thừa, quả thật, bình an là món quà được trao tặng giống như Ôxi, ánh sáng… cho con người. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, khi đau khổ, lúc gặp thử thách gian nan, tôi tìm đến nơi yên tĩnh, tránh xa ồn ào nhộn nhịp một thời gian. Đấy, sự tìm về yên tĩnh của không gian là bằng chứng cho thấy sự hoà hợp với khung cảnh. Có khi tôi tìm một bờ vai tâm sự, trút nhẹ nỗi lòng. Đấy, cũng lại là một hành vi hoà nhập hai tâm hồn: đón nhận bình an từ một tâm hồn có bình an. Bản văn Tin Mừng Gioan đang suy tư giới thiệu cho tôi và quý độc giả địa chỉ uy tín để hoà hợp, rút tỉa bình an: nơi Đức Giê-su phục sinh.

Bình an là điều ước mong của con người, điều này được trao tặng bởi ông chủ của cuộc đời. Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để phát huy hiệu quả của bình an đã được trao tặng cho tôi? Tin Mừng Gioan nói đến “bình an” khá trễ. Lần đầu tiên Tin Mừng này dùng từ “bình an” được nhận thấy ở chương 14: “Thầy để lại bình an cho anh em” (Ga 14,27). Tuy nhiên, chữ “bình an” chỉ được xuất hiện ở Tin Mừng Gioan ngay khi vừa đề cập đến “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần” (Ga 14,26). Một lần nữa ở bản văn Gioan chương 20, “bình an” và Chúa Thánh Thần cùng xuất hiện với nhau. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, để phát huy bình an được trao tặng, tôi phải nhớ đến Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu trao ban Thánh Thần, nhưng Ngài cũng mời gọi sự hợp tác của con người “Anh em hãy nhận lấy” (20,22). Nếu như tấm bánh nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu Thánh Thể, thì hơi thở cũng giúp chúng ta nhớ về Chúa Thánh Thần. Tập trung vào hơi thở để nhịp thở sâu đều giúp cơ thể tuần hoàn máu và khí cách đều đặn; không những thế, nghĩ về Chúa Thánh Thần trong nhịp thở còn là cơ hội để Thiên Chúa hoạt động nơi khí huyết chúng ta làm ân ban bình an được lan toả khắp con người. Cuộc sống với nhiều áp lực khiến con người trở nên vội vã từ bữa ăn, giấc ngủ và cả nhịp thở. Cơ thể không có cơ hội ngủ nghỉ cho trọn giấc thì làm sao có được sức sống tròn đầy? Như một lời mời gọi, chúng ta cần dành thời gian để lắng đọng mỗi khi mệt mỏi, cần chú tâm vào nhịp thở của mình để sức sống tìm được sự yên tĩnh, thư giãn. Chỉ khi nào hoà hợp trí lòng với hơi thở mang hình ảnh của Chúa Thánh Thần thì con người mới tìm cho mình đúng nguồn phát sinh bình an.

Đức Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần và bình an, không phải là một Đức Giêsu không biết đến đau khổ. Những vết thương, dấu đinh của cuộc tử nạn vẫn hằng sâu nơi thân xác phục sinh. Bình an trong khổ đau, nghỉ ngơi trong bế tắc, yên ắng trong lo sợ không phải là điều không thể! Thiên Chúa làm chủ cuộc đời tôi, không chỉ là chủ khi tôi thành công, hạnh phúc nhưng là chủ ngay cả lúc tôi thất bại, chán chường, mệt mỏi. Phải chăng tôi quá tham lam, kiêu căng khi không để cho Chúa một cơ hội lọt vào cánh cửa tâm hồn mình? Các môn đệ nhận ra Chúa và các ông vui mừng. Cũng vậy, khi nhận ra giới hạn, yếu đuối bản thân là tôi để cho mình cơ hội nhận ra mình cần Chúa. Những tâm trạng lo lắng, bồn chồn, khắc khoải sẽ lắng dần khi tôi tìm đến nơi yên tĩnh, điều hoà hơi thở và nhắc nhớ mình về sự lớn lao, cao cả của Thiên Chúa tình yêu. Chính Chúa sẽ có cách mang đến cho tôi niềm vui. Đức tin không ở đâu xa, ở ngay hành động này đây!

Như lời kết, Chúa Thánh Thần không làm cho bình an của con người trở nên sở hữu cá nhân, nhưng là để con người cùng làm lan toả bình an khi đã cảm nhận được. Chúa Cha sai phái Chúa Con, giờ đây Chúa Con cũng sai phái các tín hữu ra đi gieo rắc bình an trong sự đồng hành của hơi thở Thánh Thần.

 

Mừng Đại Lễ Lòng Chúa thương xót 2019

Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.