Tâm tình Mùa Vọng

11 December, 2018 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 1501 Lượt xem

Trong không khí tưng bừng rộn rã của các khu phố sầm uất những ngày đầu tháng Mười Hai, người Công giáo không tránh khỏi tâm tình vui nhộn lễ hội Giáng sinh, lễ hội của trang trí, mua sắm, quà cáp và ẩm thực. Liệu rằng mùa Vọng trong Giáo hội là mùa chuẩn bị cho việc trang hoàng và thương mại hướng đến lễ Noel hay sao? Trước khi trả lời cho câu hỏi này, kính mời quí độc giả cùng tôi lướt qua vài ghi nhận, hy vọng là góp nhặt vụng về để mỗi người tự trả lời vấn nạn ấy. Sau đến, đây cũng là cơ hội thuận tiện để chúng ta sống tâm tình Mùa Vọng năm nay.

Trong nguyên ngữ Latin, mùa Vọng “Adventus” không mang dáng dấp của ý nghĩa “vọng”. Nếu như “vọng” là thời khắc sát sao với “chính” trong tiến trình thời gian, diễn tả sự trông mong, chẳng hạn: kỳ vọng, hy vọng, tưởng vọng, thì “Adventus” lại có nghĩa hoàn toàn khác. Đây là sự kết hợp của hai từ Latin, “Ad” là giới từ hướng đến và “venio” là động từ đi đến. Thật sự, để chuyển ngữ “Adventus” sang tiếng Việt, chúng ta gặp trở ngại nơi cấu trúc ngữ pháp. Trong khi Tây ngữ, ngoài động từ còn có giới từ bổ trợ theo sau: giới từ “ad” bổ trợ cho động từ “venio”, thì Việt ngữ đã lồng ghép động từ khác làm vai trò giới từ bổ ngữ cho động từ chính. Chẳng hạn “đi đến” – ngữ pháp tiếng Việt – gồm hai động từ “đi” và “đến”, nhưng “đến” cũng lại là giới từ. Theo cách chiết tự này, thì “adventus” tạm hiểu là “đến”. Các bản văn Thánh Kinh dùng trong suốt mùa Vọng phân định mùa phụng vụ này thành hai giai đoạn khác nhau. Từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng đến ngày 16 tháng 12, Lời Chúa mời gọi tín hữu chuẩn bị tâm hồn để Chúa “đến” trong ngày cuối cùng của kiếp người bằng các hành vi hoán cải, sống công bình, bác ái và thứ tha. Chỉ một tuần trước đại lễ Giáng sinh, các bản văn Thánh Kinh mới nhắc lại các sự kiện gắn liền với mầu nhiệm Con Thiên Chúa “đến” làm người. Như thế, “Adventus” không chỉ là thời khắc trang hoàng hang đá bên ngoài, mà còn dọn lòng, biến con người thành máng cỏ bằng xương bằng thịt để Chúa “đến”.

Suy tư về mùa Vọng không thể không nhắc đến ý nghĩa khởi đầu năm Phụng vụ. Nếu như một năm dương lịch xoay vần với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì năm Phụng vụ lại theo chu kỳ các mùa Vọng, Giáng sinh, Chay, Phục sinh và Thường niên (mùa Thường niên được tách thành hai phần không đều nhau). Khi bào thai được thành hình trong dạ mẹ thì sự sống mới được bắt đầu. Điều này cũng tương ứng với giai đoạn mùa Vọng theo một cách liên tưởng mong đợi đứa trẻ “đến” với ba mẹ. Đời sống hôn nhân gia đình đòi hỏi các bạn trẻ tìm hiểu tinh thần và cuộc sống của nhau kỹ lưỡng trước khi quyết định chung sống. Sự sống tình yêu của họ trong giai đoạn ấy như sự chớm nở thành thai, tắt một lời, một sự trông chờ để “đến” với nhau, họ đang sống trong chính mùa Vọng hôn nhân. Đời sống tu trì luôn mở ra mọi khoảnh khắc để tìm hiểu tình yêu Thiên Chúa, điều ấy há chẳng phải là mùa Vọng của mùa hiến dâng đó sao? Như thế, tâm tình mùa Vọng, không chỉ đóng khung nơi không gian Phụng vụ với các nghi lễ và kinh nguyện, nhưng còn là sự tiếp diễn và hiện tại hoá nơi từng giây phút cụ thể trong cuộc sống. Mỗi khi bắt đầu lại cho một dự định mới, thì đó chính là đợi chờ một cái “đến” mỹ mãn. Dù là đời sống hôn nhân, hay ơn gọi dâng hiến, dù là đợi chờ công danh sự nghiệp hay hoạch định thăng tiến xã hội, dù là người có niềm tin vào Thiên Chúa hay là người ngoại giáo thì điều tốt nhất vẫn là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nếu không muốn nói yếu tố con người chỉ chiếm một phần ba trong tổng thể “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, Thiên Chúa, ông Trời, yếu tố tâm linh vẫn là chủ mọi hoạch định, dự phóng và cuộc đời. Thật là uổng phí nếu Thiên Chúa bị lãng quên trong sự chờ đợi cái “đến” nơi hoạch định của chúng ta. Có lẽ, những điều vừa suy tư, phần nào, đã giúp tôi và các bạn trả lời cho vấn nạn được đề cập phần đầu bài viết.

Màu tím trong không gian mùa Vọng không dừng lại ở nỗi u sầu buồn bã của phận người nhưng là cơ hội để từng người ý thức mình không hoàn hảo, không toàn năng, không vĩnh cửu. Chỉ khi nào tôi nhận ra tôi cần sự quan tâm, giúp đỡ của người khác, thì khi đó Thiên Chúa mới giúp tôi bằng cách Ngài “đến” trong hình hài của anh chị em cũng như các thụ tạo xung quanh. Mặt khác, tôi có dám để Thiên Chúa dùng mình với những khả năng, cả tinh thần lẫn vật chất, để đại diện Thiên Chúa “đến” với tha nhân hay không?

Cầu chúc bạn và cả tôi cùng sống tâm tình mùa Vọng sốt sắng để đón chờ Thiên Chúa “đến” với lòng mình.

Thân ái,

Ngày 11 tháng 12 năm 2018,

Tu sĩ EVANGELII NUNTIANDI, s.P.