Thánh Thể trong đời sống của tôi tớ Đấng Bầu Cử

7 December, 2018 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 650 Lượt xem

Dẫn nhập

Trong các văn kiện của Công đồng Vatican II khi trình bày về Bí tích Thánh thể đối với các hoạt Giáo hội được cô đọng trong ba từ cô đọng nhất đó là: nguồn mạch, trung tâm và chóp đỉnh; như thế ta thấy được tầm quan trọng của Bí tích Thánh thể là thế nào trong đời sống của Giáo hội và mỗi người Ki-tô hữu. Với Hội dòng Tôi tớ Đấng Bầu Cử ngay từ trước khai sinh, việc tôn thờ Thánh thể đã đặt trong tim của Đấng sáng lập (Father Fitzgerald), Ngài muốn điều này được thể hiện một cách sống động nơi chính những thành viên trong những cộng đoàn của Ngài sau này. Điều này đã trở nên hiện thực khi The servants of the Paraclete congregation và một cộng đoàn nữ khác do Ngài sáng lập có tên là Handmaids of the Precious Blood đã sống tinh thần của Ngài, lấy việc tôn kính Thánh thể như là nguồn mạch hướng dẫn đời sống tinh thần và sứ vụ của Hội dòng. Việc tín thác một cách tuyệt đối vào tình yêu nhưng không của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh thể, đã cụ thể hóa linh đạo của Dòng (for Christ in His priests) trong việc trợ giúp các linh mục, nam tu gặp khó khăn trong đời sống ơn gọi; hơn ai hết, Cha Fitzgerald hiểu được ý nghĩa cần thiết của mầu nhiệm này trong việc chữa lành cũng như việc xây dựng tình bác ái huynh đệ trong cộng đoàn khi Ngài viết: “ May the first truth in your lives be, ‘my God is here with me.’ The first thing in our lives is adration of the Son of God. If we live this, everything else will fall into place- we will have the virtues necessary for the fulfillment of our fraternal vocation- our vocation of fraternal charity to God’s priests” . Đây là điểm đánh dấu bước khởi đầu cho các thành viên trong Hội dòng, nó không phải là một nhiệm vụ tông đồ thuần túy, nhưng đây là cách mỗi người được biến đổi để sống mầu nhiệm Tình yêu giữa cộng đoàn và những người đến xin trợ giúp. Trong phạm vi giới hạn của bài chia sẻ này, con chỉ xin chú trọng vào hai điểm đã và đang đồng hành với sứ vụ của Hội dòng đó là: 1- Thánh thể trong việc chữa lành; 2- Thánh thể củng cố tình bác ái huynh đệ.

Nội dung

1- Thánh Thể nguồn mạch của ơn chữa lành

Các sách Tin mừng cách chung đều nhắm đến sứ vụ và lòng thương xót của Chúa, nhưng nơi Tin mừng theo Thánh Mattthêu đưa người đọc đi vào chiều sâu hơn nơi sứ vụ của Đức Giêsu: Giảng dạy- Rao giảng và Chữa lành. Thánh thể được diễn tả như chính lòng thương xót- chữa lành của Chúa Giê-su đối với dân Ngài; trình thuật (Mt14, 14 – 9, 35-36) nói lên tất cả điều này: “Khi ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì Người chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ.” Việc chạnh lòng thương và chữa lành vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, muốn nói lên rằng sự cần thiết của sự quan tâm chăm sóc đặc biệt với những người bị bỏ rơi bên lề của xã hội, của sự cô đơn vô vọng vào cuộc sống; ở chiều kích này, Thánh thể không chỉ đóng vai trò nuôi dưỡng, mà còn cả chữa lành.

Với Hội dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử, được vinh dự mang tên của Đấng Bảo Trợ- Người đem sự an ủi đến với những cõi lòng tan nát; do đó, việc đón tiếp, trợ giúp và cầu nguyện cho những anh em linh mục và các tu huynh gặp khó khăn trong đời sống thánh hiến là một đặc sủng của hội dòng. Việc đặt Thánh thể là trọng tâm cho đời sống sứ vụ của mình, các tôi tớ Đấng Bầu Cử đã và đang cộng tác với Chúa Thánh Thần đem Ơn Chữa lành đến cho khoảng hơn 5000 anh em linh mục và tu huynh (từ khi thành lập năm 1947 đến nay); họ đã thực sự được đổi mới, chữa lành và trở lại với sự nhiệt huyết ban đầu khi họ lãnh nhận sứ vụ. Chính mầu nhiệm Thánh Thể là tác nhân khơi nguồn, khích lệ đời sống bác ái của Hội dòng trong sứ vụ cao cả này như lời Đấng sáng lập: “We shall accomplish the salvation of problem priests only a great patience, a great meekness – being Lamb of God.” Các thành viên trong cộng đoàn ý thức được sự kiên nhẫn và nhân từ cao cả của chính Chiên Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh thể, chính Ngài là tác nhân mang lại ơn chữa lành và bình an: “Tất cả hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gồng ghánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ…”(Mt 11, 29-30). Qua việc tôn kính, kết hiệp với Thánh thể, các tôi tớ Đấng Bầu Cử có thể tiếp cận, chia sẻ cũng như chính họ sẽ là cầu nối để ơn chữa lành của Chúa đến với những người cần sự trợ giúp. Đối với những anh em linh mục của Chúa, những người gắn liền Bí tích Thánh thể cũng như các tu huynh sống đời thánh hiến, Thánh thể là chính căn tính của họ; đây một sợi dây liên kết tuyệt vời giúp họ bền đỗ, vượt thắng và lý tưởng hóa đời sống thánh hiến. Vì một lý do nào đó, họ có thể rơi vào tình trạng khó khăn, tuyệt vọng nhưng có lẽ chính việc xa dời Thánh thể mới là nguy cơ. Một khi sợi dây liên kết với Thánh thể có vấn đề, thì việc giúp họ trở lại với lòng thương xót Chúa là một việc rất quan trọng; hơn nữa, mầu nhiệm Thánh thể chính là sự trao ban của Thiên Chúa, được tỏ hiện qua Hy tế tình yêu trên thập giá của Đức Ki-tô sẽ tháp nhập, biến đổi và chữa lành vì: “If a man is truly in love with God, he will set himself to give more. He will have a desire to find ways to give more to God than less.

Khi việc cử hành bí tích Thánh thể cũng như việc tôn sùng Thánh thể trở nên nhàm chán, sẽ là một khoảng trống vời vợi cho những đam mê, tật xấu, dễ dàng len lỏi vào đời sống tu trì khiến nhiều người từ bỏ hoặc thờ ơ lý tưởng của mình. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, căn tính của đời sống thánh hiến sẽ không bao giời mất đi: có chăng, chỉ là một thời điểm nào đó rồi Ơn Chúa sẽ giúp trở lại với chính họ. Việc giúp họ nối lại sợi dây liên kết với Thánh thể từ nơi sâu thẳm của chính tâm hồn, sẽ là một trải nghiệm về sự hiện diện của chính Thiên Chúa cứu độ và chữa lành trong cuộc đời họ (with Founder of the servants of the Paraclete, redemptive therapy was Eucharistic). Hơn nữa, việc tôn sùng Thánh thể không chỉ là một hành động dâng hiến hay là một cảm thức đạo đức nơi mỗi người, nhưng là một biểu tượng hành động đem lại khả năng biến đổi, đánh thức, hướng con người tới việc khám phá màu nhiệm thiêng liêng ẩn khuất trong chính đời sống nội tâm của mình, giúp con người dễ dàng cảm thông, chia sẻ và yêu thương gắn bó với nhau hơn. Ở chiều kích này, Thánh thể là nguồn mạch củng cố tình bái ái huy đệ của con người: đặc biệt là trong đời sống cộng đoàn tu trì.

2- Thánh thể củng cố tình bác ái huynh đệ

Đức Giêsu trước khi thành lập Bí tính Thánh thể đã để lại một tấm gương cực kỳ khiêm hạ, đó là hành vi rửa chân cho các môn đệ và truyền cho họ giới răn mới, đó là giới răn yêu thương. Một lối sống tự hiến, khiêm nhường phục vụ là nguyên lý trọng tâm của linh đạo Thánh thể “Người rời bàn ăn….” (Ga 13:4-5). Một hành động biểu tượng gói gọn sứ vụ rao giảng của Ngài, Ngài mời gọi các môn đệ bước vào hành động này để thực thi tình bác ái huynh đệ, để thông phần chia sẻ và hiệp thông với Ngài trong đời sống Thánh thể. Cộng đoàn phụng vụ Thánh thể phải là cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô, hành động như Ngài nếu họ muốn trở thành con người của yêu thương và hiệp nhất, con người của nhiệm tích và sứ vụ Thánh thể.

Từ những điểm nhấn trên, hội dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử cử hành phụng vụ Thánh thể và Giờ Thánh hàng ngày để kín múc nguồn mạch vô tận này để nuôi dưỡng, kết nối với công việc mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi bản thân, thực thi sứ vụ bác ái huynh đệ. Thánh thể chính là sức mạnh làm thay đổi con tim, thức tỉnh cái “tôi” nơi con người, giúp họ hướng về tình yêu siêu nhiên mà Thiên Chúa đặt trong chính nội tâm con người. Trước Thánh thể, con người cũng cảm nhận được sự giới hạn, bất xứng trước sự hiện diện cao cả của Đấng thấu suốt mọi sự, biết con người cần những gì và sẵn sàng ban ơn nâng đỡ.

Đời sống huynh đệ cộng đoàn sẽ không thể đi tới sự hiệp nhất nếu đó không được nuôi dưỡng bằng chính Thánh thể; do đó, việc tôn kính Thánh thể phải được duy trì cùng với lời cầu nguyện, hiệp thông cùng một tinh thần theo gương Giáo hội sơ khai, trong đó các tín hữu chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn. Đối với các tôi tớ Đấng Bầu Cử, Thánh thể không chỉ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chính họ, mà còn là cách biểu lộ tình bác ái huynh đệ (fraternal charity) với mọi người nhất những anh em linh mục cần sự chia sẻ và cảm thông: “I give you as a guiding principle and maxim ‘every priests is my brother.’ Let us deal as patiently, as consistently, as tenderly with a priest as if he were our own brother.” Với ơn gọi “vì Đức Ki-tô trong các linh mục của Ngài” (for Christ in His priests), linh đạo này đã và đang được chính Thánh thể là nguồn sinh lực nuôi dưỡng khích lệ, chính “Chúa Ki-tô lễ Vượt qua của chúng ta, là Bánh hằng sống, ban sự sống cho nhân loại bằng thịt của Người, thịt đã được tái sinh và có sự tái sinh nhờ Thánh thần.” Các anh em linh mục và tu huynh gặp khó khăn sẽ được đổi mới, tái sinh cùng với sự trở lại của niềm vui tận hiến đó chính là Thánh thể; họ sẽ trở lại và tiếp tục sứ vụ mà Thầy Chí Thánh trao phó cho họ, giúp họ kết nối với nhau bằng chính Bí tích Tình yêu, Hiệp nhất huynh đệ.

Kết luận

Tóm lại, Linh đạo Thánh thể cách chung bao trùm lên tất cả đời sống của Giáo hội, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mỗi Ki-tô hữu; đặc biệt với đời sống thánh hiến, Thánh thể lại càng quan trọng và cần thiết hơn. Sẽ rất khó khăn cho mỗi người vượt thắng những cám dỗ đam mê thế gian, nếu họ xa rời Thánh thể, và thật khó đảm bảo cho tình bác ái huynh đệ trong một cộng đoàn tu trì, nếu như ở đó Thánh thể không phải là trung tâm của cộng đoàn. Với hội dòng Tôi tớ Đấng Bầu Cử, Thánh thể không chỉ là nguồn sống là chóp đỉnh, mà trong và nơi Thánh thể đã và đang là những điều kỳ diệu cho sứ vụ của Dòng đển ơn chữa lành của Chúa đến với những ai cần sự giúp đỡ. Vì Chúa Ki-tô trong các linh mục của Ngài, linh đạo này đang được nuôi dưỡng, dẫn dắt bởi chính Linh Mục Tối Cao, Hiến Tế Bàn thờ và Chúa Thánh thần Đấng Bảo Trợ; qua đó, sứ vụ của mỗi thành viên và Hội dòng sẽ trở nên khí cụ chữa lành của Chúa đến với các anh em cần trợ giúp, và cũng là điểm tựa vững chắc cho việc xây dựng tình bác ái huynh đệ trong đời sống tu trì.

Lm. An-tôn Vũ Đức Long, s.P.