Đấng Sáng Lập

Father Gerald Fitzgerald
Tôi tin cho những người không tin. Tôi hy vọng cho những ai thất vọng, đặc biệt là các Linh Mục thất vọng. Tôi yêu và sẽ yêu cho những người không yêu. Tôi tôn thờ cho những ai không tôn thờ. Để rồi họ cũng tin, cũng hy vọng, cũng yêu mến, cũng tôn thờ. Tôi sẽ cố gắng chu toàn sứ mạng này từ bây giờ cho đến ngàn sau. Đó là ơn gọi của tôi.”

(Cha Gerald Fitzgerald, s.P.)
 

Nguồn gốc

Chào đời vào ngày 29 tháng 10 năm 1894, tại miền nam Framingham, cha Gerald là người con thứ hai trong một gia đình có tám anh em trai, với người cha là Micheal Edward và mẹ là Mary Elizabeth Brassil Fitzgerald, và được lớn lên trong tiểu bang Massachusetts. Tại trường trung học Weymouth và Đại học Boston, cha là người đi tiên phong trong vai trò lãnh đạo và có năng khiếu về văn chương. Cha gia nhập Đại Chủng viện Thánh Gioan ở Brighton, tiểu bang Massachusetts, vào năm 1916, và được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Giá, thuộc Tổng Giáo phận Boston, vào ngày 21 tháng 05 năm 1921, nhằm lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Trong suốt 12 năm thi hành mục vụ Giáo xứ, cha nổi tiếng là linh mục nhiệt tâm và hết sức quảng đại. Công việc bác ái của cha được nhiều người biết đến, đặc biệt là những người nghèo, những người cha đã trực tiếp gặp gỡ và chia sẻ, và ngay cả đến bây giờ, qua những câu chuyện, người ta vẫn được nghe kể. Một trong những câu chuyện thú vị nhất là câu chuyện về việc cha làm phúc cho mấy người nghèo: cha chẳng những biếu họ bộ com-lê màu đen của mình, nhưng còn cho họ luôn cả bộ comlê của cha xứ mà chẳng biết cha xứ có đồng ý hay không.

Chính công việc bác ái đầy nhiệt huyết này đã đưa cha tới cuộc gặp gỡ với một linh mục, vị này đã từ bỏ thừa tác vụ linh mục và sống như một người hành khất lang thang trên những nẻo đường phố. Chẳng những giàu lòng bác ái đối với người nghèo, như nhiều người thường biết, cha Gerald còn có một tình yêu hết sức mãnh liệt và lòng tận tụy đối với chức linh mục. Tặng phẩm chức linh mục chính là trọng tâm của đời sống, kinh nguyện và con tim của cha, và lưu lại mãi cho đến ngày cha nhắm mắt lìa đời.

Khi còn là cha xứ Giáo xứ Đức Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thờ, tại Brighton, tiểu bang Massachusetts, vào một buổi tối tiết đông lạnh cóng vì có áp thấp, một người đàn ông vô gia cư đến gõ cửa bếp nhà xứ. Cha Fitzgerald đã tiếp đón ông ta bằng một bữa ăn thân mật, và biếu ông chiếc áo choàng mục tử cùng với một số quần áo cá nhân của mình. Khi cáo từ, người hành khất này quay lại và nói với cha Fitzgerald: “Tôi đã từng là một linh mục,” rồi ông khuất dần vào trong đêm đông lạnh giá. Kinh nghiệm ấy đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm hồn mục tử của cha Fitzgerald, và cha đã mang nó theo suốt nhiều năm trời, nếu không nói là suốt cả cuộc đời.

Cuộc gặp gỡ với người đàn ông từ bỏ thừa tác vụ linh mục cứ ám ảnh cha Gerald mãi. Cha rất buồn khi thấy một người từ bỏ ơn gọi quá cao trọng như vậy, và tâm hồn cha đau nhói vì chẳng thể làm gì để phục hồi và cứu lấy ông ta. Đây là biến cố đầu tiên nhưng chưa phải là sau cùng, đã đánh động và làm đau lòng người của Chúa. Cha đã làm mọi cách có thể để giúp những người mà cha gặp gỡ. Dầu vậy cha vẫn thấy rằng chỉ có bấy nhiêu thôi thì chưa đủ: Cha có thể giúp đỡ họ về nhu cầu thể lý, nhưng không thể phục hồi chức vụ thánh thiện của họ trong lòng Giáo Hội.

Trong những năm đầu của đời sống linh mục, cha Gerald mong muốn có nhiều thời gian hơn nữa để cầu nguyện; và cha cũng nhận thấy rằng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu cha gia nhập một Hội dòng nào đó. Cha đến ngay với Đức Hồng Y O’Connell, rồi tới Đức Tổng Giám mục giáo phận Boston, để xin phép rời Tổng Giáo phận và trở thành một tu sĩ. Điều này chẳng dễ dàng chút nào, đặc biệt là vào lúc này, nhu cầu linh mục cho các giáo xứ đang rất cấp thiết. Hết lần này tới lần khác, thỉnh nguyện của cha đều bị khước từ. Nhưng sau cùng, Đức Hồng Y không thể khước từ vị linh mục nhẫn nại và kiên trì này được nữa. Đức Hồng Y nhận ra rằng cha Gerald đã tận tuỵ với mục vụ giáo xứ như vậy, thì cha cũng có quyền đáp lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần đang réo lên trong tâm hồn cha.

Tiếng gọi của Chúa Thánh Thần

Sau mười hai năm là linh mục triều (của giáo phận), vào tháng 11 năm 1933, cha Gerald đã gia nhập Dòng Thánh Giá. Sau một năm ở tập viện thánh Giuse, đường Genevieve, tỉnh Québec, Canada, vào ngày 8 tháng 12 năm 1934, cha đã tuyên khấn lần đầu. Như vậy, vị linh mục chánh xứ đầy nhiệt huyết và tận tâm này đã nhận chiếc áo dòng của hội dòng Thánh Giá, một cộng đoàn hầu như ai cũng biết qua việc quản trị và giảng dạy của các cha và các thầy trong trường Đại học Đức Bà. Nơi đây, tâm hồn cha tìm thấy nguồn lương thực mà nó hằng khao khát. Năm 1936, cha Gerald được bổ nhiệm làm Bề trên Chủng viện của Hội dòng, đào tạo các ứng sinh đang trong thời gian đại học. Và sứ vụ mới này, lại một lần nữa, làm giấy lên trong cha mối quan tâm lo lắng đối với những người đã từ bỏ thừa tác vụ linh mục.

Được tiếp xúc với những người trẻ đang chập chững trong giai đoạn chuẩn bị cho thiên chức linh mục, cha đã có ấn tượng rất tốt về họ, bởi họ có tấm lòng cao thượng, có cái nhìn trong sáng và một đức tin vững mạnh, đúng là tinh thần của thiên chức linh mục đích thực. Niềm hạnh phúc lớn lao của tình yêu ban đầu mà cha đã cảm nhận được nơi những con người đó, chính là những gì mà những người đàn ông bất hạnh kia đã đánh mất từ bấy lâu nay!

Trong thời gian sống trong Hội Dòng Thánh Giá, cha Gerald đã viết về cuộc đời của cha Basil Moreau, C.S.C., đấng sáng lập Dòng Thánh giá. Thực sự mà nói, khi đọc cuốn Juxta Crucem (Đấng Công Chính chịu đóng đinh) do cha Gerald viết, người ta thấy rất ngạc nhiên về cuộc đời của hai vị linh mục và cũng là hai Đấng Sáng lập này, bởi họ giống nhau làm sao.

Vào ngày 15 tháng 08 năm 1937, cha Gerald đã tuyên khấn trọn đời, trở thành tu sĩ Dòng Thánh Giá. Suốt 12 năm làm linh mục Dòng này, trong vai trò là thành viên của hội truyền giáo, cha Gerald đã trải qua những công việc như làm linh hướng cho các tu sĩ, giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ và cho các nữ tu. Ngoài ra, cha còn phục vụ Hội dòng trong cương vị là Giám đốc Chủng viện và là cha linh hướng của Đại Chủng viện ở Stonehill, tiểu bang Massachusetts. Cha nổi bật về các nhân đức như nhiệt thành chăm sóc các linh hồn, cảm nhận sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể, tôn kính Đức Maria với tình con thảo, và hoàn toàn tín thác vào lời cầu bầu của các thánh mà cha hằng sùng kính.

Trong thời gian là thành viên của dòng Thánh Giá, cha được mọi người biết đến qua việc giải giải tội, linh hướng cho các linh mục và cho các nữ tu. Tuy nhiên, sau khi cố gắng mở một ngôi nhà dành cho các linh mục đang gặp đau khổ mà không thành công, dù đang là tu sĩ Dòng Thánh Giá, cha vẫn không yên lòng, cha vẫn tiếp tục nuôi giấc mộng và tìm lời giải đáp.

Khi Hoa Kỳ (Mỹ) bị cuốn vào Thế chiến thứ hai, và sau 5 năm trong Chủng viện, vốn luôn là người Mỹ đầy dũng khí, cha Gerald đã tình nguyện làm cha tuyên úy cho quân đội. Năm 1943, ở tuổi 47, cha trở thành linh mục tuyên úy phục vụ trong quân đội. Nơi đây, một lần nữa, lòng nhiệt thành của cha đối với sứ vụ lại trở nên rõ ràng hơn, con tim của cha như muốn nhảy ra ngoài để trao trọn cho những người mà cha gặp gỡ. Vì đã có nhiều năm nỗ lực trong lĩnh vực văn chương, giờ đây sự trào dâng cảm xúc đã khiến cha nhận được tước hiệu “thi sĩ chiến trường.” Một trong những thượng cấp của cha đã không ngần ngại gọi cha là “vị linh mục thánh thiện nhất mà tôi đã từng gặp.”

Cha là một văn sĩ được thiên phú, và suốt cuộc đời, cha đã dùng quà tặng này để dạy dỗ và truyền sức sống cho rất nhiều người. Nhiều sách của cha viết dưới bút danh “Father Page” (vị Linh mục bé nhỏ) đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của ba thế hệ.

Dù thi hành sứ vụ tuyên úy nơi chiến trường, cha vẫn thấy bị đánh động một cách sâu xa bởi hoàn cảnh khó khăn của một vài anh em linh mục tuyên úy. Chiến tranh thật sự là một thảm họa khủng khiếp, nó đã phá hủy quá nhiều, nó không chỉ cướp đi sinh mạng con người, để lại những vết thương và cơn đau thể lý, mà còn giết chết cả đạo lý con người. Cha đã nhạy bén nhận thức về sự hủy diệt của thức uống có cồn. Ca đầu tiên, cha đã chứng kiến những tai họa xảy ra với một vị linh mục: vị này đang phải chịu thử thách về đức tin, gánh chịu nỗi đau của phận người và dẫn đến suy sụp về mặt tinh thần; dầu vậy, chẳng có em linh mục nào ủng hộ ngài. Tất nhiên trước kia cha đã nhận thấy điều này, nhưng trong thời gian chiến tranh, cha hiểu rõ về mức độ tàn phá đích thực của nó. Lúc này, hơn bao giờ hết, cha tin chắc rằng cha có thể và phải làm điều gì hơn nữa cho các anh em linh mục.

Khi chiến tranh kết thúc, cha Gerald trở về Dòng Thánh Giá. Vì nổi danh là một nhà hùng biện tài ba, bề trên Hội Dòng đã trao cho cha đặc trách nhóm linh mục chuyên đi giảng tại các nhà thờ trên khắp đất nước, vào những dịp đặc biệt và trong các buổi cầu nguyện. Trong thời gian thi hành sứ vụ này, cha lại có dịp gặp gỡ các linh mục đang gặp khó khăn, thường là có liên quan tới vấn đề nghiện rượu. Sự việc này, cùng với những sự kiện tương tự xảy ra trước kia, đã gây áp lực rất lớn cho cha Gerald. Vì thế, cha bắt đầu đề bạt với các bề trên mở thêm một sứ vụ đặc biệt nhằm chăm sóc cho các linh mục, cũng như qua đó, làm điều gì đó để giúp đỡ họ.

Hầu như con người ta, theo lẽ tự nhiên, có xu hướng trở nên say mê khi theo đuổi một lý tưởng nào đó; nhưng khi đối diện với khó khăn thuộc bóng tối của bản tính con người, người ta thường tỏ ra chẳng mấy nhanh nhẹn hay mặn mà chút nào. Việc người ta để tâm tới danh dự hay tiếng tăm của mình, dù chỉ trong chốc lát, cũng sẽ trở thành động lực rất mạnh, đồng thời cũng dễ dàng làm cho người ta chà đạp lên những ý hướng tốt đẹp.

Không ai phủ nhận rằng những con người này đã phải chịu đau khổ, bị bỏ rơi, hoặc đã bị khai trừ khỏi hàng ngũ linh mục, và như vậy họ nên được quan tâm. Nhưng ở đời, người ta thường “phù thịnh” (ủng hộ người chiến thắng) hơn là “phù suy” (nâng đỡ kẻ thua cuộc).

Thỉnh cầu của Cha Gerald về việc mở thêm sứ vụ có một không hai này, đã được chấp thuận. Nhưng điều này có nghĩa là ngài phải thành lập một hội dòng khác để thực hiện công việc ấy. Vì về mặt lý thuyết, quyết định này khá hợp lý, song nó không phù hợp với linh đạo của Dòng Thánh Giá, bởi họ chú trọng tới việc giảng thuyết và giáo dục.

Khi có sự chấp thuận của bề trên để đảm nhiệm sứ vụ đặc biệt này, Cha Gerald bắt đầu tìm địa một điểm và một vị Giám mục, để ngài bảo lãnh cho ước nguyện của mình. Cha đã gặp nhiều Giám mục trước kia là anh em cùng khóa linh mục với cha. Và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cha chọn ra bốn vị. Cha đã viết cho các vị này cách rõ ràng và súc tích, qua đó, cha chia sẻ nỗi ưu tư lo lắng vốn đè nặng trong tâm hồn và trong ước mơ của cha, đó là làm thế nào để xoa dịu những khó khăn cùng cực mà anh em linh mục đang phải gánh chịu. Rồi cha đợi chờ trong nguyện cầu. Chỉ có duy nhất một lá thư trả lời, đó là thư của Đức Tổng giám mục Giáo phận Santa Fe, Edwin V Byrne. Ngay lập tức, cha Gerald đến tiểu bang New Mexico. Và ngay sau khi tới nơi, cha đã có cuộc gặp gỡ với Tổng giám mục Byrne suốt hai giờ đồng hồ.

Sự ra đời của Hội Dòng mới

Tháng 11 năm 1946, Đấng Bản Quyền của Tổng Giáo phận đã giới thiệu cho cha Gerald hai địa điểm trong Tổng Giáo phận để cha có thể thiết lập cơ sở nhà dòng: một ở Pecos và một ở dãy núi Jemez. Cha Gerald rất ưng ý với “quán trọ Jemez” vì nó nằm ở bên kia đường, đối diện trực tiếp với khu truyền giáo của dòng Phanxicô bị bỏ hoang.

Từ chính nơi đây, cha nhận thấy rằng, công việc tái xây dựng những mảnh đời, những ước mơ và những niềm hy vọng của nhiều linh mục và tu huynh sẽ được bắt đầu. Bốn ngày sau khi nhận thư phúc đáp của Đức Tổng giám mục Byrne, và sau hai ngày đến New Mexico, tức là vào ngày 8 tháng 12 năm 1946, cha Gerald đã ký thỏa thuận mua quán trọ và khu đất ở Jemez Springs. Giấc mơ của cha giờ đây đã trở thành hiện thực, và sứ vụ huyền nhiệm của cha đã được khởi sự ngay từ chính giờ phút này. Cha mong được cử hành Thánh lễ đầu tiên vào ngày 5 tháng 1 năm 1947 tại Jemez, để chính thức đặt nền cho cuộc sống và sứ vụ của một Hội Dòng mới trong Giáo Hội. Và vào ngày 5 tháng 1 năm 1947, cha đã cử hành Thánh lễ đầu tiên tại đó.

Đức Tổng Giám mục Byrne đã nhiệt tình ủng hộ; và khu hẻm núi Jemez xinh đẹp lại có vị thế cách biệt và yên tĩnh, thật thuận lợi cho đời sống cầu nguyện và suy niệm; thêm vào đó, tiểu bang New Mexico vốn là nơi yên tĩnh cho việc an dưỡng, lại có khí hậu lý tưởng, bốn mùa phân biệt rõ ràng và không quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, người dân địa phương đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sứ vụ của cha Gerald, và vì thế, họ cũng là điểm đáng chú ý. Cha nhận thấy họ là những con người nhiệt tình và không xét đoán; đó là hai đặc tính mà cha cho là quan trọng và thuận lợi cho sứ vụ đã được trù tính.

Một yếu tố nữa đó là những tàn tích của khu truyền giáo [dòng Phanxico] phía bên kia đường nhìn từ nhà dòng. Cha nhận thấy rằng những ngôi nhà đổ nát này chính là biểu tượng của những con người mà cha hy vọng rồi đây cha sẽ phục vụ, đồng thời nó nhắc nhớ cha phải không ngừng cầu nguyện cho họ.

Một số người đang được cha Gerald giúp, cũng nhanh chóng cộng tác với ngài. Và vì thế, vào đầu năm 1947, ngôi nhà nhỏ của cha đã trở thành một tu viện đầy sức sống. Những người này và các linh mục sau này đến đây, được gọi là “khách.” Họ được cha mời đến trong tư cách như thế, và họ cũng được cha tiếp đón trong tinh thần như vậy. Cách tiếp cận của cha khá đơn giản: như đã tập sống trong những ngày còn ở chủng viện, cha chú trọng tới đời sống cầu nguyện và đức tin, vì đây chính là nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần và cũng chính là tất cả những gì họ đang cần đến. Vì được tạo cơ hội để canh tân đức tin và làm cho đời sống cầu nguyện mỗi ngày thêm thánh thiện và vững vàng, nên rốt cuộc họ đã giành lại được tình yêu và ý nghĩa của thừa tác vụ linh mục mà họ đã lãnh nhận.

Vì bí tích Thánh Thể chính là trung tâm điểm của đời sống linh mục, nên Cha Gerald hết sức chú trọng đến Thánh lễ; thêm vào đó, cha khuyến khích họ cầu nguyện lâu giờ trước bí tích Cực Thánh này, một việc làm được coi là một gia sản mà Nhà Dòng không ngừng tích lũy. Ngoài ra, họ cũng được khuyến khích sống trong tinh thần của một cộng đoàn, cùng nhau chia sẻ cuộc hành trình tìm lại những gì đã mất. Điều này lại thực sự minh chứng cho một khía cạnh khác nữa về niềm tin vững chắc của cha Gerald, đó là chính “các linh mục giúp đỡ các linh mục.”

Không lâu sau đó, nhiều linh mục khác cũng quan tâm đến sứ vụ mới này và họ đã cùng cộng tác với cha Gerald. Họ hiện diện ở đó không chỉ để khích lệ về phương diện đạo đức, mà còn biểu lộ sự quan tâm bằng cả những công việc thiết thực để chăm lo cho ngôi nhà. Họ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, và trên hết, họ giúp các linh mục đang gặp khó khăn nhận thấy mình được đón tiếp cách chu đáo và thấy gần gũi như ở nhà. Qua sự hiện diện và đời sống cầu nguyện, họ giúp khơi dậy tinh thần đích thực của chức linh mục nơi các vị đang gặp khó khăn. Vì thế, họ rất hợp cái tên “Tôi Tớ Đấng Bầu Cử” – “Đấng Bầu Cử” là một danh xưng khác về Chúa Thánh Thần, rằng Thần Khí Thiên Chúa không chỉ ủi an và nâng đỡ trong những lúc khổ đau, mà còn đốt lửa yêu mến nữa.

Là một người thực tế, cha Gerald nhận thấy rằng sự hậu thuẫn bằng việc cầu nguyện liên lỉ là điều hết sức cần thiết cho sứ vụ mới này; ngoài ra, cha cũng cần có sự trợ giúp về mặt y tế, để có thể chăm sóc tốt cho những đối tượng mà dòng đang phục vụ. Trong tinh thần đó, vào mùa xuân 1947, cha quy tụ một số phụ nữ đạo đức và nhiệt tâm để cộng tác với cha, và cha gọi họ là “Nữ Tỳ Máu Châu Báu.” Nếu các Linh mục đem đến cho nhân loại ơn cứu độ được Chúa Giêsu Kitô trả bằng chính Máu Châu Báu của Người, thì các chị em này thực sự là những Nữ Tỳ hay những người trợ giúp cho sứ vụ cao cả này. Vào ngày 25 tháng 5 năm 1947, được coi là ngày thành lập Dòng của các chị, cha Gerald đã dâng Thánh lễ tại tu viện tạm thời, đồng thời cha bổ nhiệm Mẹ Ancilla làm bề trên tiên khởi của Dòng.

Khi các Nữ Tỳ đã dâng trọn những năm tháng đời mình để cầu nguyện cho những vị khách nói riêng cũng như cho các linh mục nói chung, và vì trong số họ có những người là y tá hoặc có kinh nghiệm về y tế, nên họ đã nhanh chóng thành lập một bệnh xá để chăm sóc những vị khách này. Không thể làm ngơ trước những nhu cầu của những người chung quanh, không bao lâu sau, họ đã mở rộng cơ sở y tế này để phục cho những đối tượng trong vùng. Và trong nhiều năm, nó đã trở thành nguồn y tế duy nhất trong vùng hẻm núi này.

Đau lòng vì trong vùng còn có nhiều người nghèo, Cha Gerald bắt đầu chia sẻ lương thực và áo quần cho họ. Hoạt động này đã tiếp diễn trong nhiều năm và đã đến với nhiều người. Cha không nghĩ đây là một việc bác ái, hơn là sự sẻ chia trong bầu khí gia đình. Tinh thần này đã mở rộng tình liên đới bền lâu giữa cha với những người láng giềng trong vùng.

Số lượng khách đến tăng nhanh, và để công việc được tồn tại lâu dài, cha Gerald bắt đầu kêu gọi sự giúp đỡ về tài chính từ phía các Giám mục, anh em Linh mục và giáo dân. Cha đã mua đất trong vùng để mở rộng cơ sở và để đáp ứng nhu cầu riêng tư. Cũng trong thời điểm này, cha cấp đất cho một số người địa phương đang cộng tác với cha, để họ làm nhà riêng.

Khi lượng người đến đây ngày càng tăng, nhiều phương tiện cần thiết lại không có trong vùng, nên các Tôi Tớ Thánh Linh Bảo Trợ đã mở tổng đài điện thoại và bưu điện trong khu vực. Hoạt động này khá độc đáo; tuy nhiên, đối với cha Gerald, điều này chẳng có gì lạ lẫm. Vì đang coi sóc ngôi thánh đường địa phương, cha liên tưởng đến một ngôi làng trong đó mọi người sống chung quanh ngôi thánh đường như một phần trong gia đình đặc biệt của cha. Cha luôn mong rằng, nhờ sự hiện diện của cha, họ làm trổ sinh chút hoa lợi nào đó.

Nhìn chung, giữa nhà dòng và người dân nơi đây có một sự tương trợ lẫn nhau rất thân mật và hữu ích. Có một trường hợp ngoại lệ hơi hài ước một chút, đó là việc cha Gerald tìm cách thay thế quán rượu bằng câu lạc bộ bowling. Vì rượu đã từng hủy hoại cuộc sống của phần lớn các vị khách của nhà dòng, nên cha lo ngại về sự gần gũi giữa họ với thứ cám dỗ đó. Dù sao đi nữa, rốt cuộc, những người làm chủ quán rượu này cũng đã học được bài học về việc cùng nhau chung sống.

Từ những bước khởi đầu khiêm tốn này, các Tôi Tớ Thánh Linh Bảo Trợ và các Nữ Tỳ Máu Châu Báu do cha Gerald sáng lập, đã nhanh chóng thành đạt và gia tăng con số. Thiên Chúa thật sự đang ban cho những dòng tu non trẻ này có nhiều ơn gọi, có nhiều nam nữ, những người cảm nhận được lời mời gọi tham gia vào sứ vụ chữa lành này. Ngay từ khi bắt đầu thành lập dòng, cha Gerald đã xin liên kết với dòng Cát-minh chân trần. Và ngày 15 tháng 06 năm 1956, vị Bề trên Tổng quyền đã chấp thuận đề nghị của cha Gerald và chính thức đưa hội dòng mới này vào gia đình Cát-minh Têrêsa.

Vào ngày 01 tháng 06 năm 1952, nhân ngày lễ kính Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ, Dòng Tôi Tớ Thánh Linh Bầu Cử, như tên gọi ban đầu, đã được Tòa Thánh thừa nhận là hội dòng chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Cha Gerald được đề cử làm Tôi tớ Tổng quyền tiên khởi, vào ngày 05 tháng 07 cùng năm. Ngày 22 tháng 08 năm 1956, dòng Nữ Tỳ Máu Châu Báu cũng được Tòa Thánh thừa nhận, và Mẹ Dolorosa Shanley được đặt là Bề trên Tổng quyền thứ nhất.

Chỉ vỏn vẹn trong vòng 12 năm mà con số linh mục khách đến với “Thiên Đường” (“Via Coeli” – tên gọi cũ của Nhà Mẹ) đã lên tới hơn 900. Chẳng bao lâu sau đó, các Nhà cho việc cầu nguyện đã được thành lập ở Vermont, Minnesota và Ohio. Trong những năm 60, Dòng đã có mặt tại Ý, Pháp, Scốtlen, Anh, Áchentina, Bôlivia, vùng Caribê và Phi Châu. Các Giám mục trước kia đặt vấn đề về sứ vụ này, thì bây giờ lại mong muốn có sự hiện diện của dòng tại địa phận của các ngài để chữa lành. Mặc dù vào lúc này, số thành viên của dòng đã có tới hơn 100, nhưng vẫn không đủ nhân lực để đáp ứng hết những yêu cầu.

Có lẽ đối với nhiều người, những thành quả đó cũng đã đáng khích lệ lắm rồi, nhưng đối với cha Gerald, khi nào những đòi hỏi kia chưa được thỏa mãn, thì khi đó tâm hồn cha vẫn khắc khoải lo âu. Cha thường xuyên nhường chỗ ngủ cho vị linh mục đang bị thương, nhưng vẫn còn nhiều vị khác mà cha không thể giúp gì được. Vẫn biết rằng mình không thể đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng cha rất thấy đau lòng khi phải nói câu “không thể.”

Cũng trong thập niên tăng trưởng này, vào năm 1962, cha đã xây dựng ngôi Đền để tỏ lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ của các linh mục. Cho đến nay, ngôi Đền này vẫn đóng vai trò trọng điểm của vùng hẻm núi, và cũng chính là biểu tượng nổi bật nói lên [vai trò của Đức Maria như] nhu cầu bất diệt đối với sứ vụ này.

Ngày 28 tháng 06 năm 1969, cái chết đã đến với người Tôi Tớ thánh thiện của Chúa, vào thời điểm ngài đang hướng dẫn tĩnh tâm ở Marlboro, tiểu bang Massachusetts. Cha được an táng vào ngày 04 tháng 07, theo nghi thức danh dự của quân đội, tại nghĩa trang Chúa Phục Sinh thuộc dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử, trong vùng Jemez.