TRUYỀN TIN: biến cố lịch sử và thời đại công nghệ
Truyền thông Internet liên tục cập nhật những trạng thái của bạn bè, cộng đồng, khiến nhiều người bị lôi cuốn. Cách đây vài năm, để gửi hoặc nhận một thư điện tử có tập tin đính kèm, cần thời gian để mạng lưới điện toán hoạt động. Ngày nay với tốc độ nhanh chóng của sự phát triển công nghệ, các trang mạng xã hội có thể thay thế tất cả các dịch vụ khác (như gửi thư, báo chí, truyền hình, truyền thanh…) chỉ trong một cú nhấp chuột. Xã hội tiên tiến đến thế nhưng vẫn bị nhiễu nhương bởi các luồng thông tin trái chiều. Ghi nhận nơi đây một ý tưởng: mập mờ trong các sự kiện hiện tại còn không giải quyết triệt để, huống chi những mờ nhạt không rõ ràng nơi các biến cố lịch sử. Nhọc nhằn nơi biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Maria nơi Tin Mừng Luca theo nhãn quan lịch sử sẽ không được đề cập trong bài suy niệm này. Thay vào đó xin được gửi đến quí độc giả vài suy tư hầu tìm cho mình những bài học áp dụng vào chính thời đại công nghệ thông tin ngày nay.
Bản văn Thánh Kinh tiếng Hy-lạp trình bày biến cố này khởi đầu bằng cụm từ “vào tháng thứ sáu” (Lc 1:26). Tháng thứ sáu tính từ mốc thời gian nào? Theo mạch văn, có thể tính từ lúc sứ thần truyền tin cho Dacaria nơi phân đoạn liền trước. Cách trình bày lập lờ nơi đây lại làm tôi cười khẩy! Trong văn hoá Thánh Kinh, số sáu là số xui. Đây còn là con số liên quan đến quỷ dữ (x. Kh 13:18). Khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể lại xuất hiện một con số không tròn đầy, liệu đây có phải là sự nhầm lẫn của Thiên Chúa? Suy tư sau đây không nhằm nói hộ Thánh sử Luca, đơn giản chỉ là thoáng đọng xuất hiện, cũng như đã trình bày bên trên nhằm tìm ra bài học áp dụng. Thiên Chúa không nhầm lẫn. Khởi đi từ trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế, chóp đỉnh của tạo dựng chính là ngày thứ sáu, ngày mà Thiên Chúa thấy “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1:31). Số sáu, trong nhiều truyền thống khác nhau và nơi các nền văn hoá đa dạng, vốn là một số xấu. Bắt đầu từ sự không tròn đầy thì mầu nhiệm cứu độ mới nổi lên ý nghĩa quan trọng: nếu như tất cả đều hoàn hảo thì không cần đến Thiên Chúa hành động. Khi truyền thông xã hội nơi mạng lưới Internet phát triển, nhiều bạn trẻ chịu ảnh hưởng bởi quan niệm thứ sáu ngày mười ba là ngày xui xẻo. Phải chăng ngày ấy không là ngày tốt vì đã bị tách khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã chọn số sáu để đánh dấu cho biến cố truyền tin, thì từ nay không còn dè dặt với con số này nếu tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sứ thần chào Đức Maria bằng ân sủng của Thiên Chúa. Đây là dịp nhắc nhớ tôi ý thức lời chào chúc của mình trong thời đại công nghệ thông tin. Không đơi thuần chỉ là “hi” theo phong cách Tây, nhưng cần lắm sự quan tâm thiết thực nơi ánh mắt, cử chỉ thăm hỏi. Thiên sứ tìm đến tận nhà thôn nữ Maria để đem Chúa đến với chị. Tôi cũng được mời gọi dành thời gian đến thăm hỏi anh chị em, bạn hữu, thân gia. Qua hành vi bác ái quan tâm, tình người mới nhân rộng và ơn Chúa mới triển nở. “Ubi caritas et amor Deus ibi est” – Đâu có tình yêu thương và sự quan tâm, ở đó có Đức Chúa Trời. Điện thoại và máy tính không thể trở thành kẻ đại diện tôi đến với tha nhân cách tuyệt đối. Các thiết bị dù mang tiếng thông minh cách mấy, cũng không thể chia sẻ với con người bằng bữa ăn, miệng cười, cái vỗ vai, ôm chặt, bắt tay, có khi cần đến cả nụ hôn… Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm một người bạn nhỏ hơn mình mười ba tuổi. Bạn ấy nấu cho tôi món trứng chiên ăn với cơm và một ít nước tương. Đơn giản là thế, nếu ăn một mình, chắc chắn chỉ nhằm cầm cự cho qua ngày nhưng chẳng hiểu sao từ hôm ấy đến giờ, lòng tôi cứ mãi lâng lâng, vui sướng. Tôi thiết nghĩ, sự vô cảm trong tình người của thời đại hôm nay sẽ được giải quyết nếu con người chấp nhận dành thời gian cho việc gặp gỡ nhau bằng thể lý. Thiên Chúa không xoa dịu nỗi đau lầm than của con người bằng ở xa tít đâu đâu, hay ở trên cao, nhưng Ngài đã đến trực tiếp ở với con người. Lời chào “Thiên Chúa ở cùng” cũng là mục đích cho các cuộc gặp gỡ trong cuộc đời tôi.
Mẹ Maria trong Tin Mừng Luca là một người “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” các biến cố cuộc đời. Cụm từ này xuất hiện trong các bản văn: mục đồng thăm viếng hài nhi (x. 2:19), sau biến cố lên Đền Thờ ở tuổi mười hai của trẻ Giêsu (x. 2:51). Theo suy tư của riêng bản thân, tôi thấy nơi biến cố truyền tin của sứ thần cụm từ này lần đầu tiên đã minh nhiên xuất hiện, nhưng với một dung mạo hơi khác: “bà tự hỏi” (Lc 1:29). Đứng trước dư luận, người thời nay dễ dàng bị cuốn vào bánh xe của số đông. Một tin tức đăng tải trên truyền thông luôn được kèm theo vài nhận định chủ quan của một nhóm người. Đức Maria tiếp nhận thông tin từ sứ thần, Mẹ không vội đưa ra nhận định bản thân. Điều đầu tiên Mẹ làm tức khắc, đó là suy xét tự hỏi. Bài học này hay lắm. Nếu bản thân không có nhận định riêng, chắc chắn sẽ phải mượn nhận định của người khác, lúc ấy mình bị mất đi chính mình. Không thể nào có một nhận định sáng suốt nếu không dành thời gian để lắng nghe và cân nhắc. Chính lúc Mẹ dành cho mình sự thinh lặng tự hỏi, chính là lúc Mẹ để Thiên Chúa có cơ hội ngỏ lời. Tôi chợt nhận ra, mình cần sự thinh lặng hơn mình tưởng!
Trọng tâm của sứ điệp liên quan đến Thiên Chúa và cả dòng lịch sử cứu độ. Xã hội hiện đại dần dần xem Thiên Chúa chẳng dính dáng gì đến mình và dường như cũng chẳng màng đến mầu nhiệm cứu độ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin làm con người mất kiên nhẫn dần dần. Tôi còn nhớ hình ảnh những lá thư mình viết tay, bỏ vào phong bì, đem ra bưu điện dán tem. Phải đợi đến vài tuần sau mới nhận được hồi âm. Bây giờ thì khác, nhanh lắm! Lạ thay, công nghệ và cuộc sống không phát triển cùng nhịp. Chưa bao giờ con người đối mặt với nhiều loại bệnh tật như thời đại này. Các bệnh viện luôn quá tải. Tệ nạn xã hội trở nên tinh vi và tung hoành rộng rãi hơn, không chỉ nơi ma tuý, mại dâm, trộm cắp nhưng còn là lừa đảo cả người già, bệnh nhân, người nghèo dưới nhiều kiểu đa cấp, ô nhiễm môi trường, dự án xây dựng… Nhà tù, bệnh viện tâm thần, các trung tâm phục hồi nhân phẩm, trường cai nghiện… đua nhau mọc như nấm. Thực trạng kinh hoàng nhất chính là khủng bố. Qua biến cố truyền tin, như đã nói, Thiên Chúa đến ở cùng nhân loại, nhưng con người lại loại bỏ Thiên Chúa khỏi thế giới này. Lịch sử cứu độ là bài học đắt giá cho thời đại chúng ta: một khi con người xa cách Thiên Chúa thì con người tự giết chết mình, chỉ khi nào quay về với Thiên Chúa thì con người mới sống. Nếu Thiên Chúa không còn được cha mẹ giới thiệu cho con cái trong các gia đình, thì đạo đức cá nhân trở thành chai cứng và xã hội đối xử với nhau chỉ trong tương quan vật chất. Đức Maria thưa lời chấp nhận để Thiên Chúa hoạt động, chính lúc ấy Mẹ bắt đầu học bài học kiên nhẫn cuộc đời. Sứ thần trông như thể: không truyền tin cho Đức Maria để Mẹ hiểu rõ ràng, rành mạch cách thực hiện của Thiên Chúa, nhưng có lẽ sứ thần truyền tin cho Đức Maria về sứ điệp: Chúa muốn dùng Maria theo ý Chúa, Maria chịu hay không? Bằng tự do bản thân và nhờ ơn Chúa, Đức Maria đã dạy tôi bài học kiên nhẫn để hưởng nhờ ơn cứu độ. Khi mới tiếp cận công nghệ, mấy ai trong chúng ta biết được phía sau cú nhấp chuột vào chữ “Next” hay “Ok” sẽ là điều gì xuất hiện? Lắm lúc các dòng chữ ngoại ngữ dày đặc xuất hiện làm tôi phát hoảng, nhưng vốn đã được mách nước cứ nhấp “next”, “ok” cho đến lúc “Finish” thì vui vẻ tận hưởng thành quả của sự kiên nhẫn tìm hiểu công nghệ. Nếu có cùng một tâm tư như thế nhưng kiên nhẫn hơn với ơn cứu độ, thì tôi sẽ làm cho các trang “next” – kế tiếp – của cuộc đời mình tiến gần hơn với niềm vui trong Chúa.
Mầu nhiệm Mân Côi khởi đầu với thứ nhất của Mùa Vui: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”. Ước gì khi đọc lại bản văn Tin Mừng bằng những suy tư trên, mầu nhiệm Mân Côi này không còn là một điều ở xa nhưng cùng áp dụng vào cuộc sống của tôi và quí độc giả. Amen.
Mừng Lễ Mẹ Mân Côi.
Luke Joseph, s.P.