Kẻ trao nộp và người trao ban – Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.

2 April, 2021 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 1432 Lượt xem

Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.

Tin Mừng Gio-an trong trình thuật thương khó không gọi Giu-đa là kẻ phản bội nhưng là kẻ nộp Đức Giê-su (Ga 18,1). Trong bối cảnh ngày thứ sáu tuần thánh, tôi muốn chia sẻ với độc giả đôi dòng tâm tình xung quanh động từ “trao nộp” để thấy cái chết của Đức Giê-su không phải là một bản án nhưng là hậu quả của “trao nộp”, từ đó chính Đức Giê-su cũng “trao” ơn cứu độ cho nhân loại.

Nguyên ngữ Hy-lạp khi đề cập Giu-đa, tác giả Tin Mừng thứ tư gọi ông là παραδίδους /pa-ra-đi-đus/. Đây là danh từ ghép bởi giới từ παρά /pa-ra/ (nghĩa là cho, đến) và động từ δίδωμι /đi-đô-mi/ (nghĩa là trao, đưa). Như thế, παραδίδους nghĩa là kẻ trao cho, kẻ đưa cho ai một cái gì. Trong ngữ cảnh này thì Giu-đa trao Đức Giê-su cho giới lãnh đạo Do-thái giáo. Xuyên suốt trình thuật Thương Khó của Đức Giê-su không hề có việc xét xử: không có bản án, không có quan toà đưa ra phán quyết cuối cùng. Khởi đi từ việc Giu-đa trao nộp Đức Giê-su cho thượng tế, thượng tế lại trao Đức Giê-su cho tổng trấn Phi-la-tô, Phi-la-tô trao lại Đức Giê-su cho các thượng tế và đám đông. Cuối cùng, vì lý do Đức Giê-su khẳng định mình là Con Thiên Chúa mà Người bị đóng đinh và chết trên thập giá. Giả như Đức Giê-su không là Con Thiên Chúa thì khi bị tra tấn thì Người sẽ từ bỏ lời mà Người khẳng định để bảo toàn mạng sống, nhưng không phải thế: Người không thể chối bỏ bản thân mình vì sự thật là thế – Người là Con Thiên Chúa. Qua nhiều lần trao nộp, cuối cùng Người chịu hậu quả do sự căm phẫn của giới lãnh đạo tôn giáo và đám đông dân chúng bị xách động.

Trong suốt hành trình Thương Khó, Đức Giê-su không bị xét xử nhưng chính Phi-la-tô lại bị toà án lương tâm xét xử. Cả giới lãnh đạo Do-thái giáo và dân chúng cũng bị Phi-la-tô xét xử: “Ta không thấy lý do nào kết tội ông ấy” (Ga 18,38). Chuỗi dài nghịch lý nối tiếp nghịch lý: thay vì Đức Giê-su bị xét xử thì chính Người lại là quan toà để xét xử ngược lại; bề ngoài thì Người bị trao nộp nhưng trong suốt diễn biến thì chính Phi-la-tô và giới lãnh đạo Do-thái giáo lẫn đám đông lại tự nộp họ cho tiếng nói của chân lý. Như thế, cái chết của Đức Giê-su không phải là một bản án, vì không có phán quyết, nhưng là hậu quả của “trao nộp” cách bất công vì trù dập sự thật, bóp nghẹt chân lý.

Vì sao cái chết của Đức Giê-su lại mang đến ơn cứu độ?

Thật sự, nếu chỉ dừng lại ở biến cố tử nạn thì ơn cứu độ vẫn chưa tỏ hiện. Nhờ cái chết khổ giá thì chính Đức Giê-su làm chứng lời mình tuyên bố là sự thật: Người là Con Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1): trên thập giá ngay lúc ngừng thở thì cũng là lúc “trao Thần Khí” (Ga 20,30) cho nhân loại dù nhân loại xử tử Người cách bất công. Đức Giê-su làm chứng cho sự thật Người là Con Thiên Chúa bằng chính mạng sống mình, thì hiệu quả những lời Chúa từng nói cũng mang giá trị là chân lý “Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào tôi thì dù đã chết cũng sẽ được sống…” (Ga 11,25). Chính việc sống lại của Đức Giê-su mang đến một sự sống mới cho những người tin. Ơn cứu độ chính là điểm này. Nhân loại được “trao Thần Khí” để trợ giúp niềm tin vào chân lý: Đấng chết trong đau khổ là Con Thiên Chúa luôn “yêu cho đến cùng” cũng là Đấng sống lại và là sự sống đời đời, nhờ đó bất kỳ ai tin “thì dù có chết cũng sẽ được sống…”

Cuộc sống hôm nay không hề thiếu bất công, bạo tàn và xảo trá. Vẫn còn rất nhiều gương mặt nhân loại đang bị “trao nộp” cho sự kỳ thị, nghèo đói, cô đơn, bất công, bóc lột, ganh ghét và đố kỵ. Mong rằng mỗi người chúng ta dám dừng lại lối sống vốn dửng dưng vô cảm mà giúp đỡ người bị đau khổ là bản sao gương mặt khổ nạn của chính Đức Giê-su. Từ đó, mỗi người không chỉ góp phần vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa “yêu cho đến cùng”, mà chính mình còn thể hiện hành động cụ thể của đức tin: noi gương yêu thương, phục vụ của Đức Giê-su là “Vua” (Ga 19,15).

 

Tuần Thánh 2021