“Yêu cho đến cùng” (Ga 13,1)
Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.
Hằng năm, Hội Thánh sử dụng những câu đầu trong bản văn Tin Mừng Gioan chương 13 để tôn lên vẻ đẹp tình yêu của Thiên Chúa trong ngày Lễ Tiệc Ly: Đức Giê-su “yêu cho đến cùng” không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng hành động phục vụ như một “người tôi tớ”.
Động từ “yêu” diễn tả hành động nội tâm, động từ “phục vụ” diễn tả hành động bên ngoài. Giá trị của phục vụ nếu qui đổi thành kinh tế thì đánh mất sự nguyên tuyền của “yêu cho đến cùng.” Cũng thế, “yêu” mà không phát sinh hành động thì chỉ là mơ hồ, “sống ảo.” Truyền thống và văn hoá Hip-ri khi nhắc đến “phục vụ” nhằm vào hạng bần cùng của xã hội: nô lệ, tôi tớ, kẻ làm công. Do đó, khi Đức Giê-su được giới thiệu như một người phục vụ thì các độc giả của Tin Mừng Gio-an phải đối diện với một khó khăn và thách đố vô cùng to lớn. Chương 13 đang mở dần sứ vụ Đấng Mê-si-a, một Đấng Cứu Độ, không theo cách hiểu phổ biến của người đương thời: làm một cuộc giải phóng dân tộc Ít-ra-en và mang về nền thịnh vượng của triều đại vương quyền lẫn uy nghi đền thờ tôn giáo; nhưng là một Đấng Cứu Độ với rất nhiều nghịch lý, khởi đi bằng việc phục vụ như một tôi tớ và kết thúc bằng cái chết vì bảo vệ sự thật: chứng minh lời tuyên bố Con Thiên Chúa là điều không giả dối cho dù phải mất mạng sống thì cũng không chối bỏ. Chính Đấng ấy “phục vụ” để bộc lộ điều thao thức trong lòng – “yêu.” Người trưởng thành trong xã hội Hip-ri thời ấy để việc rửa chân cho hàng tôi tớ vì vấn đề di chuyển trong vùng lúc bấy giờ phổ biến nhất là đi bộ, chân tuy mang dép nhưng đường bộ đầy cát bụi thì chân “cực kỳ” dơ bẩn. Hình ảnh ba mẹ khi chăm sóc, rửa chân tay cho con thơ là cách so sánh sống động và chân thực cho tình yêu quan tâm phục vụ: làm kỹ lưỡng và chăm chút từng tí một. Do đó thật dễ hiểu vì sao hành vi “phục vụ” bằng cách “rửa chân cho các môn đệ” mà Đức Giê-su thực hiện lại biểu lộ tình yêu chân thành. Hơn nữa, qua hành động “rửa chân”, Đức Giê-su tuyên bố nếu Người không làm thế thì môn đệ “sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8). Truyền thống Hội Thánh nại vào chi tiết này để khẳng định thay vì lãnh nhận bí tích Rửa Tội như là cửa ngỏ dẫn vào các bí tích khác trong Hội Thánh, thì các Tông đồ được chính Đức Giê-su trực tiếp trao ban ơn ích thông qua lời khẳng định “chung phần với Thầy.” Dừng ở chi tiết này, tôi khám phá ra giá trị “yêu cho đến cùng” là hiệu quả của lòng thổn thức nội tâm phát sinh thành hành động phục vụ nhằm hướng đến ích lợi tốt lành của Thiên Chúa. Nếu yêu thương và phục vụ nhưng mang lại hiệu quả tiêu cực thì đó không là bản sao “yêu cho đến cùng” như chính Đức Giê-su. Cuộc sống hôm nay không thiếu những tệ nạn ỷ lại của con cái, ngay cả những bậc tu hành “mất lửa” và ích kỷ, là hệ quả của một chuỗi dài “yêu” sai phương pháp trong quá trình đào tạo, giáo dục. Mẩu đối thoại tuy ngắn ngủi giữa Đức Giê-su và Phê-rô nhưng lại làm sáng lên cho độc giả phương pháp của Đức Giê-su: khơi dậy ý thức của việc “chung phần.” Nhà huấn luyện và người được đào tạo phải chung phần từ khởi sự cho đến lúc hoàn tất công việc. Qua tình yêu thương, nhà giáo dục chăm lo cho người thụ huấn như là một gương mẫu, nhưng đồng thời chính người thụ huấn phải thấy trách nhiệm của bản thân trong việc nỗ lực để cùng nhau đạt kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, rất khó để có được sự cộng tác này, nhưng hẳn nhiên không phải là điều không thể, bởi vì yếu tố then chốt chính là kiên trì “yêu cho đến cùng.” Ngay cả chính Đức Giê-su cũng thất bại trong công việc đào tạo: có môn đệ bán Thầy, có môn đệ chối Thầy và có nhiều môn đệ trốn Thầy; nhưng không vì thế mà Người từ bỏ hành vi “yêu cho đến cùng.” Chính vì nhẫn nại “yêu cho đến cùng” không trách móc, không lên án, không trả đũa, mà nhiều môn đệ nhận ra giá trị của “chung phần” mà trở lại tương quan với Chúa và loan báo Tin Mừng.
Khi phục vụ nơi hành động rửa chân, Đức Giê-su không hề lên tiếng để nói về nỗi lòng của chính bản thân. Thế nhưng, tác giả Tin Mừng thứ tư đã cảm nghiệm và viết ra điều mà ông cảm nhận từ hành vi phục vụ của Đức Giê-su, là một hiệu quả của “yêu cho đến cùng.” Ngày nay, bất kỳ công tác từ thiện của Ki-tô hữu nếu chỉ dừng ở bác ái nhân bản: ra sức bố thí, trợ giúp các hoàn cảnh neo đơn, cứu trợ người khốn khổ thì vẫn chưa chạm đến nỗi lòng sâu thẳm của người đón nhận. Đành rằng có nhiều người quảng đại trợ giúp trong âm thầm và không phô trương, có nhiều tấm lòng hảo tâm trao tặng cả “của cho” lẫn “cách cho” đều tuyệt vời và tế nhị nhưng theo tôi vẫn còn thiếu thiếu, bởi lẽ người nhận quà vẫn chưa nhận ra gương mặt của một vị Thiên Chúa “yêu cho đến cùng” nơi các hành vi bác ái. Thiết nghĩ, không chỉ âm thầm và quảng đại trao tặng mà còn cần một đời sống phụng vụ sốt sắng đi đôi với đời sống tích cực tốt lành thì may ra mới diễn tả nỗi lòng để người khác hiểu được thế nào là “yêu cho đến cùng” như chính Đức Giê-su đã yêu: không so đo, không tính toán, không đòi hỏi, không ép buộc quỵ luỵ… Tắt một lời, bác ái như hành động phục vụ chủ của “người tôi tớ” vì nhận ra chính Chúa đang hiện diện nơi người thiếu thốn.
“Yêu cho đến cùng” không dễ thực hiện vì hoàn toàn là cảm nhận tột độ của người môn đệ trong Tin Mừng thứ tư về Đức Giê-su. Tuy nhiên, tuỳ vào mức độ cảm nhận “yêu cho đến cùng” nơi từng môn đệ ngày nay của Đức Giê-su mà diễn tả thành hành động cụ thể tương ứng. Một khi đã thực sự cảm nhận thì sẽ bộc lộ ra thành hành động như một hiệu quả dù muốn hay không thì vẫn có…
Tuần Thánh 2021.