[Suy Niệm Tĩnh Tâm Tuần Thánh] Tìm gặp chính mình trong cuộc thương khó của Chúa Kitô

7 April, 2020 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 2836 Lượt xem

Lm. JB. Trịnh Văn Hoan, s.P.

Người môn đệ trong Tiếng Anh là từ “Disciple”, có nghĩa là người học hỏi, người đi theo. Người môn đệ Đức Giêsu là người học nơi thầy mình để bước đi theo thầy mình, sống với thầy của mình và sống cho thầy của mình như chính Phao-Lô đã nói: “Để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15)

Vì thế, 40 ngày chay thánh là thời gian chúng ta bước từng bước theo Giêsu và khoảnh khắc này, khoảnh khác đi vào tận căn, sâu hơn, rõ nét hơn với thầy của mình trong cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Ở trong cuộc thương khó đó, chúng ta nhận ra có cả Thánh ý nhiệm mầu lẫn ý phàm nhân, có tình thương của trời cao lẫn lòng hận thù của hạ giới, trong cuộc thương có đó có ẩn hiện sự thất vọng hòa quyện trong hy vọng, trộn lẫn giữa sự phản bội và lòng tha thứ từ tâm. Tất cả trong đó, khi đi vào chúng ta sẽ khám phá được chính con người của mình trong những tranh tối tranh sáng ẩn hiện, để rồi nơi cuộc thương khó của Chúa Kitô chúng ta tìm gặp được chính mình.

Vì thế bài suy niệm này, chúng ta tập trung vào những tâm tình sau:

– Để đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu với tâm tình sâu lắng và kết hiệp với Ngài qua từng bước chân lên đỉnh đồi Golgotha.

– Đi vào để thấy rõ mình hơn qua các hình ảnh và nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa.

– Để xin ơn biến đổi, nhờ đó gắn kết cuộc đời với Chúa Kitô và thu gặt hái hoa trái thiêng từ cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.

Phụng vụ Tuần Thánh, tất cả các trình thuật Tin Mừng Mattheu, Mac-cô, Luca và Gioan đều thuật lại biến cố cuộc thương khó của Chúa Kitô. Tôi mời anh em đi vào bên trong, đi sâu hơn vào bản văn Tin Mừng và dừng lại ở các điểm sau để suy niệm:

1. Hành động rửa chân của Chúa Giê su trong bữa Tiệc Ly

Hình ảnh đầu tiên mà tôi muốn cùng anh em để ý và chiêm ngắm, đó chính là hành động Chúa Giêsu, vào trước bữa ăn, đã cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó là một hành động gây kinh ngạc, thất hồn đối với các môn đệ làm cho các ông phản ứng: “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?”( Ga 13, 6); rồi ông từ chối lần hai , cách cương quyết hơn: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” (Ga 13,8). Vì đối với các ông và văn hóa của các ông RỬA CHÂN là hành động của người tôi tớ phục vụ chủ nhà. Nhưng chính qua hành động này, Chúa Giê su để lại bài học đầu tiên cho các ông. Một hành động YÊU THƯƠNG mang lấy tâm tình phục vụ lẫn nhau trong đó mà các ông sẽ sống và thực hành vì chính thầy của các ông đã sống như một người tôi tớ giữa mọi người. Ngài đã phải cuối xuống thật gần, thật sát, thật sâu để làm công việc mà người ta cho là hèn kém: RỬA CHÂN! Và chính khi cúi mình xuống thật sát, thật gần, thật sâu, chúng ta mới có thể đến với anh em mình một cách toàn vẹn, mới có thể không những vui cùng, buồn cùng với anh em mình, mà còn có thể đi vào những giới hạn của nhau, khiếm khuyết của nhau, tổn thương của nhau để chấp nhận, băng bó và ôm lấy nhau.

Cũng chính vì Chúa Giê su muốn các môn đệ của Ngài phải “một lòng một ý”(Cv 4,32). Mà muốn nên một lòng một ý với nhau các ông phải biết yêu thương và phục vụ nhau. Nên đi kèm với hành động rửa chân là điều răn mới Ngài đã truyền lại cho các ông: “Anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Lời trăn trối này là cả tâm tư, lẫn ưu tư, tình mến và chứa đựng một điều cốt yếu như là kim chỉ nam cho cuộc sống mà người thầy sắp trẩy đi phương xa đã lối lại cho những người học trò thân cận đang ở lại, và lời lối này được lặp lại lần thứ 2 mà ta bắt gặp trong Tin Mừng Gioan : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Bài học đầu tiên này về phục vụ trong yêu thương đã được dẫn dắt và biểu lộ trọn vẹn nơi bàn tiệc thánh: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26,26). Rồi Người cầm lấy chén trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy” (Mt 26, 28). Hành động hiến trao chính mình Ngài cho các môn đệ qua việc trao “bánh và rượu” làm cho ta hiểu hơn về tinh yêu Ngài dành cho nhân loại và cho chúng ta. Không những thế Ngài làm nổi bật lời Ngài truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Điều răn mới này là lời lối lại của Chúa Giê su cho các môn đệ để nhờ đó, qua việc thực hành trong đời sống, cuộc đời chúng ta được thay đổi, được biến đổi trong tình yêu và nhờ tình yêu. Vì chính tình yêu sẽ là nhân tố để chúng ta, những người môn đệ của Chúa biết đón nhận tất cả, đón nhận ngay cả những điều chúng ta không muốn và không ưa. Bởi lẽ, chính Đức Giê su đã yêu mến các môn đệ của Ngài với một tình yêu khôn tả, một tình yêu trọn vẹn không nửa vời; Ngài đã yêu bằng một tình yêu tuyệt đối và “yêu cho đến cùng”(Ga 13,1); yêu cả những giới hạn của chúng ta, tật xấu của chúng ta. Qua đây, Ngài dạy chúng ta tình yêu trưởng thành hay tình yêu hoàn hảo là tình yêu cân bằng giữa cảm tính là lý tính, và hơn hết tình yêu đó phải vượt lên trên cả lý tính lẫn cảm tính để vươn tới một tình yêu đích thực, tức là yêu toàn diện con người của anh em mình chứ không dừng lại chỉ yêu cái tốt lành của họ mà thôi. Tất nhiên tình yêu hoàn hảo hay tình yêu đích thực là tình yêu luôn mong muốn người mình yêu trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Chúng ta chỉ trở nên hoàn thiện ở trong và ở nơi tình yêu của Đức Kitô. Đó chính là TÌNH YÊU toàn vẹn mà Ngài yêu thương những người thuộc về Ngài. Ngài hằng mong mỏi gắn kết với chúng ta “Anh em hãy ở lại trong thầy” (Ga 15,9),

“Để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11),

để “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3), và vì ở nơi Thầy anh em sẽ “được sống muôn đời” (x. Ga 6, 54)

Khiêm hạ để trở nên hoàn thiện, khiêm hạ để gắn kết!

Vậy anh em chúng ta có học được bài học đầy khiêm hạ này của Chúa Giêsu? Và thay đổi đời sống của mình?

Tôi muốn cùng anh em lắng tâm hồn lại để làm một hành động suy xét nội tâm:

– Chúng ta có đang chia rẽ, tranh giành vì quyền hành và lợi lộc?

– Chúng ta có dám khiêm hạ và tự xóa mình ra như “người vô dụng” trước mặt Thiên Chúa và anh em hay chúng ta đang cố gắng vun vén cho cái tôi ích kỷ của chúng ta một ngày càng lớn mạnh?

– Chúng ta có dám nhìn thẳng vào hành động Chúa Giêsu khi Ngài rửa chân cho các môn đệ và để tâm hồn chúng ta đối diện với hành đồng đó để thay đổi chính mình trong các tương quan ứng xử?

– Nhìn vào hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đặc biệt là Giuđa kẻ phản bội, chúng ta có dám đối diện để thay đổi não trạng chọn đối tượng để phục vụ: “người này không xứng để tôi phục vụ, thâm chí không xứng để tôi xây dựng một tình huynh đệ”.

2. Hình bóng chúng ta nơi sự vô tâm của các môn đệ trong Vườn Cây Dầu

Diễn tiến Tin Mừng dẫn chúng ta từ phòng Tiệc Ly tới vườn Ghếtsêmani nơi Chúa Giêsu sẽ trải qua giờ phút cùng cực nhất, sợ hãi nhất, và cô đơn nhất để hoàn tất thánh ý Chúa Cha: Hiến mạng sống vì con người nơi cái chết treo trên thập giá.

Bước vào vườn Cây Ô-liu với tâm hồn sợ hãi và nặng trĩu. Ngài sợ hãi đến độ “mồ hôi máu” chảy ra. Ngài sợ không phải vì cái chết thể xác đang đến gần, nhưng sợ trước sức nặng của tội lỗi con người, sức nặng của bóng đen ác thần, một thế lực của bóng tối mà Ngài đang phải đối diện, và nó được bộc lộ nơi lòng dạ của con người một cách kinh khủng nhất, hoang thú nhất, tàn bạo nhất, hèn nhát nhất; và điều làm Ngài đau đớn hơn, đó là nó không chỉ bộc lộ nơi những người chống đối, lên án và loại trừ Ngài, mà ngay cả nơi những người môn đệ mà Ngài hằng yêu thương.

Những tiếng rên siết và quằn quại của một tâm hồn cô đơn và bị bỏ rơi được diễn tả qua các cụm từ: “buồn rầu xao xuyến” (Mt 26, 37); “tâm hồn thầy buồn đến chết được”(Mc 14,34); “hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33); “lòng xao xuyến bồi hồi” (Lc 22,44).

Cơn sợ hãi đã làm Ngài phải thốt lên cùng Chúa cha: “Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14,36). Nhưng trong cơn hãi hùng Ngài vẫn chọn không vì mình, không cho mình nhưng vì thánh ý Chúa Cha và vì yêu con người nên Ngài đã thốt lên từ sâu thẳm của con tim: “Nhưng  xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Dù đã chọn, đã chấp nhận nhưng nỗi đau và sầu khổ đâu tan biến, một dữ dằn hơn và nặng nề hơn.  Dẫu vậy, Ngài quyết tâm vẫn chọn theo ý Cha cách quyết liệt hơn, dứt khoát hơn và trong lần thứ 2 đi cầu nguyện, Ngài thưa: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).

Trong cơn sầu thương ấy, gian nan thử thách ấy, sợ hãi đến độ mồ hôi là những giọt máu chảy ra ấy, Chúa Cha như im lặng đứng nhìn, các môn đệ thì vô tâm bỏ mặc, ngủ vùi.  Cô đơn tột cùng đến nỗi Ngài thốt lên: “Simon , anh ngủ à? Anh không thức nổi với thầy một giờ sao?” (Mc 14, 37). Chắc giờ này Chúa buồn lắm, tủi lắm vì giờ Ngài cần các môn đệ ở bên hơn bao giờ hết, giờ thầy cần anh em ở lại chia sẻ nổi thống khổ với thầy nhất nhưng anh em thật vô tâm, chỉ lo vùi vào giấc ngủ, chẳng ai quan tâm, chẳng ai sớt chia nỗi buồn và sầu khổ với thầy, còn nỗi đau và cô đơn nào lớn hơn?!

Dừng lại ở chi tiết này, tôi mời anh em cùng nhìn lại chính mình:

– Có nhiều lúc chúng ta cũng vô ơn và thờ ơ với Chúa như thế, phải không?

– Có không? Bao nhiêu lần chúng ta vùi trong cơn mê dục vọng và bỏ quên tâm thức có Giêsu đang đứng chờ đợi ta?

– Có bao nhiêu lần ta khước từ Giêsu trong bộ dạng người ăn xin ngồi vệ đường chìa tay ra để mong được nắm lấy, dù một lần, nhưng ta dửng dưng bước qua mau không nhìn tới?

– Có bao lần ta dửng dưng Giêsu nơi bộ dạng thất thần, sợ hãi, hoảng hốt, thất vọng của anh chị em chung quanh, chỉ mong ta tiến lại và ôm lấy trong vòng tay?

– Có bao lần ta từ chối Giê su nơi anh chị em của chúng ta là những người đang cần đến một lời an ủi, động viên, sớt chia gang nặng ưu tư cuộc đời?

 “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15, 13). Vậy ta đã có đủ tình thương, và chất đầy trong trái tim chưa?

3. Hình bóng chúng ta trong sự phản bội của Giuđa

(Tôi muốn anh em dừng lại ở nhân vật này trong đoạn Tin Mừng, vì có thể bóng dáng chúng ta ẩn hiện trong đó.)

Theo diễn tiến của trình thuật Tin Mừng thương khó vào cuối bữa ăn, Đức Giêsu cảm thấy tâm hồn xao xuyến, Ngài tuyên bố: “Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy (Ga 15,21). Các môn đệ nhìn nhau, phân vân và Gioan hỏi Thầy mình: “Thưa Thầy, ai vậy?”. “Đức Giêsu trả lời “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13:26).

Hành động Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa là một cử chỉ rất ưu ái và yêu thương của Ngài dành cho người môn đệ của mình. Khi chấm bánh và trao cho Giuđa Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này, là Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, không tẩy chay, không trách móc, không phỉ báng nhưng vẫn yêu thương và để cho Giuđa có một chỗ đứng trong nhóm Mười Hai. Không những thế, Ngài còn mong ông thay đổi dù chỉ là một tia hy vọng hết sức mong manh nhỏ nhoi. Vì cũng như phần đầu bữa tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho Giuđa để mong ông tỉnh thức và thay đổi, và cũng là để cho các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Ngài vẫn luôn yêu thương Giu đa. Yêu thương hết mọi thành viên trong nhóm Mười Hai của các ông.  Và đây là điều cốt yếu Chúa Giêsu muốn truyền tải lại cho các ông và cho cả Giuđa.

Đến đây, tôi muốn anh em dừng lại ở câu 30:

“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).

“Lúc đó trời đã tối”, với trạng từ chỉ thời gian “trời đã tối”, Gioan đã cho chúng ta thấy nội tâm của Giuđa lúc bấy giờ. Thực ra, tâm hồn của Giuđa đã trở nên u tối, bóng đêm đã bao phủ lấy ông, Satan đã chiếm lấy tâm hồn ông từ khi ông lên kế hoạch và làm theo ý riêng mình. Ý riêng của ông đã làm ông bước ra khỏi con đường của sự sống, làm ông khước từ tình yêu ân ban. Chúa Giêsu đã hết lòng vì ông nhưng tâm hồn ông không lay chuyển vì tâm hồn ông đã ra đen tối.

Cái bóng đen chụp lấy linh hồn để rồi ông ngụy trang bằng một “nụ hôn” nộp thầy, nụ hôn của sự phản bội được đạo diễn bởi “bóng đêm”. Để rồi trong vai của một người môn đệ “tình nghĩa” Giuđa đã qua mặt được các đồng liêu bằng một nụ hôn, ngoại trừ Chúa Giê su. Ở đây chúng ta bắt gặp được tình yêu thương của Chúa biết dường bao! Dù Chúa Giêsu biết rõ ý định của Giuđa nhưng vẫn đối xử với ông bằng một tình yêu chân thành, kiên trì và chịu đựng, để hằng mong ông trở lại, bước ra khỏi bóng đêm của sự chết để ông được sống.

Nhìn vào Giuđa để chúng ta thấy rằng bất cứ khi nào làm theo ý riêng ta, thì trời luôn u tối, tối cả bên ngoài lẫn trong tâm hồn. Để rồi bao nhiêu cạm bẫy rình chờ, bao nhiêu mưu đồ được nuôi dưỡng và ấp ủ, nhưng không thiếu đau khổ đang chực cào xé tấm thân ta, và đỉnh điểm là bóng tối của sợ hãi là cái chết sẽ đè nặng và bao phủ lấy ta. Chỉ khi chúng ta hoán cải, can đảm thay đổi đời sống và trở về cùng Thiên Chúa, dù có thương đau thì vết thương cũng sẽ được chữa lành, dù có xấu hổ thì cũng sẽ được ủi an và nâng đỡ vỗ về.

Cho nên dù đứng trước những đau khổ quằn quại, dằn vặt vì tội lỗi và sự lựa chọn quay trở về, chúng ta càng phải xác tín một điều rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương và mở cho ta một lối thoát. Ngài luôn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu chịu đựng và kiên nhẫn ngay cả khi chúng ta tồi tệ, phụ bạc và bất trung với Ngài.

Và rằng Chúa chẳng lầm khi chon gọi Giuđa làm môn đệ Ngài, càng không lầm khi chọn gọi mỗi người chúng ta, những người tội lỗi, những người của khiếm khuyết và đầy dẫy những giới hạn và xấu xa.  Nhưng Chúa chọn và kêu mời để chúng ta bước vào cuộc hành trình trở về, cuộc hành trình của thanh luyện để được nâng cao, để được nên xứng đáng hơn. Vì thế chúng ta càng không tuyệt vọng vì Thiên Chúa không bao giờ tuyệt vọng với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá và nhận biết được tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Giả như Giuđa nhận ra được tình yêu ấy, chắc ông ấy đã không tuyệt vọng mà đi tìm cái chết và một kết cục đau thương sầu thảm đến như thế!

(Có lễ chúng ta nên dừng lại một chút ở đây và suy niệm điểm này, đi sâu vào bên trong tâm hồn để chúng ta tìm những nguyên nhân, những lần mà ta cũng rơi vào tương tự như tình cảnh của Giuđa.)

Chắc chắn Giuđa khổng thể phản bội thầy của mình một sớm một chiều ngay như thế được, chắc chắn đã có một tình yêu nồng nàn ông dành cho thầy mình trong suốt 3 năm ăn cùng ở cùng! Chắc chắn Giuđa đã ngưỡng mộ và hy vọng nơi thầy của mình thật nhiều trước những lời nói quyền uy và dấu lại thầy mình đã làm. Song, điều gì đã dẫn Giuđa từng bước tường bước đến chỗ phản bội thầy mình?

Có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy mình ở trong đó, những đổ vỡ nội tâm của Giuđa, những bước đưa đường đến sự phản bội thầy mình.  Rằng chúng ta ngay từ giây phút đầu tiên đã đáp trả tiếng chọn gọi của Thiên Chúa với một nhiệt huyết dồi dào và lý tưởng cao đẹp, một tinh thần tràn đầy sức sống và hăng say, một khao khát nồng cháy của lòng đạo đức nhưng rồi qua thời gian, tất cả như rã dần, tình yêu ban đầu đã nhạt, lòng nhiệt huyết và say mê không còn, lý tưởng cao đẹp cũng vơi dần và méo mó theo thời gian của sự biếng nhác và trễ nãi.  Cộng thêm sự cứng cỏi và chai đá của con tim hòa lẫn với những thỏa mãn và đam mê nhục tính làm khô dần đời sống đạo đức, lười biếng trong kinh nguyện, lòng đầy tự mãn và khinh khi trong tương quan cộng đoàn và với tha nhân.  Ban đầu còn có chút day dứt, rồi thành thói quen và mất cảm thức của tội, cho nên vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, vẫn an tâm với công việc mà ta khoác lên mình hai từ “bổn phận”, và vẫn ung dung không chút sợ hãi vì ta vẫn thấy mình đang phục vụ, làm công việc “nhà Chúa”.

Dừng lại ở đây, suy xét nội tâm tường tận, chúng ta tự vấn lương tâm mình:

– Một nội tâm phân mảnh, tổn thương và đổ vỡ được che đậy bằng bộ mặt hoàn hảo bên ngoài.

– Một khuôn mặt mang “nụ hôn” yêu thương nhưng ẩn phía sau là một sự mưu mô, phản bội và toan tính.

– Một khuôn mặt mang vẻ nhân ái, lời vị tha nhưng ẩn bên trong là những chia rẽ và thấp hèn.

– Một dáng dấp phục vụ tha nhân nhưng kỳ thực đang tìm kiếm lợi lộc và phục vụ cho chính mình.

– Một con người theo Chúa nhưng luôn làm theo ý riêng mình và đặt mình là trung tâm.

4. Hình bóng chúng ta trong sự vô ơn của dân chúng và sự yếu hèn của Phêrô

Lòng dạ con người thật mau thay trắng đổi đen. Mới ngày nào thôi còn ùn ùn chạy tới để chỉ mong được chạm lấy Đức Kitô, nghe Ngài giảng, được chứng kiến những dấu lại Ngài làm, miệng còn thốt lên: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Không những thán phục về lời rao giảng của Ngài mà họ còn kinh ngạc về việc Ngài làm cho chính họ: “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”(Mc 1,27). Rồi người ta chạy đến với Ngài, đến để xin được chữa lành, để phân xử, để được ủi an và đến để xin sự công chính, nước hằng sống… xin tẩy rửa khỏi sự ô uế, sự ô uế không  phải là sự ô uế thể lý, hay sự thiếu vệ sinh. Nhưng đây là chính sự ô uế nội tâm, làm hư hại con người; đó là sự xấu xa, tội lỗi mà con người nghe theo Satan và đi theo nó. Để rồi, nó khống chế, nó sai khiến và nó kìm giữ con người trong vòng tội lỗi, trong khổ đâu và trong cái chết.

Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh khốn cùng nào họ cũng tới xin Ngài thương thi ân và giải thoát họ khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi và sự kìm kẹp của ác thần.

Mới hôm qua thôi kẻ đi trước, người theo sau, hò reo vang dậy: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21, 9), không những thế có đám đông, rất nhiều người lấy áo choàng của mình, kẻ khác thì nhặt nhành lá trải trên đường, lối Ngài đi qua. Họ tung hô Ngài là Vua của họ khi Ngài vào thành Giêrusalem. Ấy vậy mà giờ đây họ như con người khác. Mọi sự đổi khác nhanh và lẹ.

Hoàn cảnh bi thương đau đớn đang diễn ra tại Vườn Gietsimani, sự hung tợn của bọn lính, nụ hôn phản bội của Giu đa, các môn đệ mới vừa thốt ra, lời chưa dứt môi rằng, dẫu có phải chết với Ngài họ cũng không chối Ngài (x. Mt 26, 35). Vậy mà giờ đây các ông, những môn đệ vừa thề thốt đó đã bỏ Người mà chạy trốn hết (x. Mt 26,56). Chỉ còn lại bên Chúa là ánh trăng non yếu ớt cố xuyên qua các tảng mây đen ngòm dày đặc, bay là và hạ thấp xuống khu vườn, cùng với tiếng xiềng xích lỉnh kỉnh vang vọng trong đêm giá lạnh, lạnh từ bên trong lẫn bên ngoài, âm u ảm đạm.

“Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp” (Tv 54,5-6 ). Cảnh tượng này diễn ra tại vườn Cây dầu, hành trình ngược lên nhà Anna, tới chỗ dinh Caipha, xuôi theo các phố xá đến tận ngọn đồi Golgotha, rồi chết tủi nhục đớn đau trên thập giá và mai táng trong mồ. Ngài chứng kiến tất cả, trải qua tất cả, phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn bởi sự vô ơn của loài người. Ngài đã nếm sự vô ơn của những người mà Ngài thi ân. Từ chỗ tung hô Ngài là Vua (Mt 21, 9), giờ họ lại phân bua với Phi-la-tô rằng: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da”(Ga 19,15). Từ chỗ họ tán tụng và thán phục Ngài là người đầy uy quyền và đã biết bào người đi theo và nhận ân huệ của Ngài thì nay tất cả đồng thanh hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” (Ga 19,15). Lòng người đổi trắng thay đen dễ dàng như cái lật bài tay phải trái, trong ngoài!

Trong cơn bi cực Thầy mình đang gánh chịu, bóng dáng các môn đệ chìm vào màn đêm và mất dạng, chỉ còn Phêrô, vị Tông đồ trưởng lấp ló đàng xa. Tin Mừng Matthew kể chi tiết rằng, khi Đức Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ Người chạy hết, chỉ còn Phêrô rón rén theo xa xa đến tận dinh Cai-pha để xem kết cục Thầy mình ra sao (x. Mt 26, 57-58). Ôi bạc bẽo, giá lạnh và đau đớn dường bao!

Nổi đau lớn nhất mà một người trải qua và gánh chịu, đó chính là sự phản bội tình yêu. Trái tim co thắt từng cơn và bị bóp nghẹn, tâm hồn thì xao xuyến muộn phiền đến tột cùng đau thương. Đức Giêsu, người trao ban tình yêu và hằng “yêu cho đến cùng” nay bị phụ bạc, bị chối từ, các môn đệ thì trốn chạy, mọi người thì khinh khi nhục mạ, niềm đau mang lại bởi chính người thụ ân.

Mắt Chúa liếc nhìn khi Phêrô chối Chúa, chối người Thầy yêu thương mình hết mực (x. Lc 22,61). Chắc chắn cái liếc mắt ngoái lại nhìn đó của Chúa đã ngấn lệ, trái tim Ngài thổn thức đớn đau bởi bị môn đệ của mình “đâm” thấu bằng một lời chối từ dứt khoát, và không những một mà đến 3 lần trước những chất vấn của tớ gái: “Tôi thề là không biết người ấy”(Mt 26,74). Ánh mắt liếc nhìn đó của Chúa cũng chứa chan tình cảm thông cho sự yếu hèn của người môn đệ của mình, yêu thương ông, một người bộc trực và khẳng khái. Để rồi chính tính chất khẳng khái này của ông và tình yêu Thầy mình dành cho ông, Phêrô đã sụp xuống, khóc gào khi tai ông vừa nghe tiếng gà gáy, mắt ông chạm tới mắt Thầy, trái tim ông giờ đây đã xót xa và hiểu nổi thống khổ mà trái tim Thầy mình đang ức nghẹn.

Có lẽ chúng ta dừng lại ở chi tiết này, xét mình, để gặp chính mình trong những nhân vật này:

– Có bao lần, trong khó khăn chúng ta chạy tới Giêsu và rồi khi đã nhận được bao ơn lành, lại “trở mặt làm ngơ” và gạt Giêsu ra khỏi đời sống ta?

– Có bao lần chúng ta đã lên án Giêsu nơi những người xung quanh chúng ta? Và thậm chí đóng cây thánh gia và đặt lên vai anh chị em của mình?

– Có bao lần cũng giống như Phêrô, đứng trước sự giằng co giữa yếu đuối và mạnh mẽ, tron vẹn và giang dở, tình yêu và khước từ  nhưng dám vượt lên để chọn là mạnh mẽ, là trọn vẹn, là tình yêu? Và dù trái tim đang u tối nhưng vẫn đi về ánh sáng; dù lưu luyến và tiếc nuối nhưng vẫn bỏ lại để đi tìm lý tưởng là chân lý?

– Có bao lần ta lỡ sa bước chân nhưng vẫn dám nhìn lên mắt Chúa để đứng lên và bắt đầu lại hành trình như Phêrô?

Điều quan trọng nhất vẫn là lòng yêu mến, vì tình mến có sức thanh tẩy, lòng mến có thể kéo ân sủng từ trời cao, lòng mến đưa ta vào thập giá và phục sinh của Chúa Ki tô và nên một với Ngài.

Mỗi ngày ta có dám để Thiên Chúa nói nhỏ trong tâm hồn: “Con có yêu mến Thầy không?”(Ga 21,15), và trái tim ta mau đáp lại như Phê-rô đã thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy”( Ga 21)?

Gợi ý cầu nguyên:

Anh em hãy tự viết lời cầu nguyện cho mình, những tâm sự thật tâm với Chúa về những gì anh em đã bắt gặp được chính mình, những lúc yếu lòng, những đổ vỡ nội tâm, những tổn thương, những vết sẹo trong tim qua các hình ảnh và nhân vật trong cuộc thương khó Chúa mà chúng ta vừa cùng nhau suy niệm.

Tháng 4, 2020