BÀN THỜ LÀ NƠI GẶP GỠ – Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.

18 November, 2020 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 1009 Lượt xem

Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.

Cách đây vài năm, khi tham dự Thánh Lễ truyền chức Linh mục tại Tagaytay, Philippines, tôi ấn tượng cách dẫn vào Thánh Lễ trước nghi thức thống hối của Đức Cha Evangelii, giám mục giáo phận Emus, khi Ngài mời gọi mọi người sum họp quanh bàn thờ để gặp gỡ nhau và gặp gỡ Thiên Chúa. Bài viết “Bàn thờ là nơi gặp gỡ” sẽ trình bày những ý tưởng khiến tôi nhận ra Phụng vụ không chỉ là hành vi thể hiện niềm tin của con người lên Thiên Chúa, nhưng qua cử hành Phụng vụ, con người được gặp gỡ Chúa và tha nhân, mà bàn thờ là một hình ảnh sống động và độc đáo.

Trong bản văn Thánh Kinh tiếng Hy Lạp, nguyên ngữ của “bàn thờ” là “θυσιαστήριoν”[1]. Đây là danh từ ghép của hai chữ[2]: “θυσιαζω” nghĩa là hiến tế[3], và chữ thứ hai là “στηρίζω” nghĩa là làm cho mạnh mẽ, làm đầy tràn[4]. Như thế “θυσιαστήριoν” – bàn thờ – là nơi làm tràn đầy hành vi hiến hiến tế: nghi ngút khói hương thiêu đốt của lễ[5]. Thánh Kinh sử dụng hai từ khác nhau để nói về bàn thờ[6]. Bản văn Thánh Kinh dùng chữ bàn thờ “θυσιαστήριoν” cho Thiên Chúa độc nhất[7]. Còn các thần của dân ngoại có một từ khác cũng nói về bàn thờ là “βωμός”. Trong khi “θυσιαστήριoν” là nhịp cầu nối kết giữa dân và Thiên Chúa qua hành vi phụng tự hiến tế, thì “βωμός” là nơi chỉ để thể hiện khoảng cách cao hơn của thần linh so với con người[8], thần linh và con người không thể có mối tương quan gắn bó – con người cần sự trợ giúp của thần linh nên cống nạp lễ vật, thần linh sách nhiễu con người nếu con người không tỏ lòng tôn vinh và sùng bái[9]. Như thế, nơi nguyên nghĩa của “θυσιαστήριoν”, chúng ta thấy cuộc “gặp gỡ” của Thiên Chúa và dân người qua hành vi phượng tự của việc hiến tế. Hạn từ Hy-lạp này chuyển ngữ từ “mizbeah” của tiếng Hip-ri với cùng cách chiết tự của hiến tế và làm cho tràn đầy[10]. “Mizbeah” lần đầu tiên xuất hiện khi Thiên Chúa và con người thiết lập giao ước sau lụt Hồng thuỷ (x. St 8,20). Từ đó, khi thiết lập giao ước với con người, bàn thờ chứng kiến con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau[11]. Các bản văn sách Xuất hành nói đến việc các tư tế thay mặt dân để dâng lễ. Qua việc tiến dâng lễ toàn thiêu trên bàn thờ, Thiên Chúa gặp gỡ các tư tế, nói chuyện với họ và qua họ làm trung gian để đến với dân (x. Xh 29, 42-45)[12]. Trình thuật Cựu Ước dành cho dân Israel vị trí đặc quyền trong mối tương quan khắng khít với Thiên Chúa chí tôn. Nghĩa là qua bàn thờ hiến tế, dân ý thức mình được tuyển chọn và được dẫn dắt bởi Đấng Tối Cao[13]. Dân của Chúa qui tụ và gặp gỡ nhau. Từ đó, dân trở nên tách biệt với các dân tộc khác qua cử hành phụng tự và niềm tin Thiên Chúa độc nhất.

Đến thời Tân ước, bàn thờ trở nên nơi hiến tế của chính Đức Kitô (x. Hr 13,10)[14]. Thánh giá cũng là bàn thờ dâng hy lễ và hy lễ là chính Đức Kitô. Thánh vịnh 118 được mang lấy nghĩa tiên trưng như một lời tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa nơi sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4,11; 1Pr 2,4-7). Bàn thờ gắn liền với biểu tượng khối đá, được xức dầu cung hiến[15] trở nên hiện thân của Đức Kitô[16]. Do đó Hội Thánh là “thân thể” gặp gỡ “đầu” của mình (Cl 1,18) nơi bàn thờ hiến tế[17].

Bàn thờ của Giao Ước Mới là Thập Giá của Chúa, từ đó tuôn trào các bí tích của mầu nhiệm Vượt Qua. Trên bàn thờ, là trung tâm của thánh đường, hy tế thập giá được hiện tại hoá dưới những dấu chỉ bí tích. Bàn thờ cũng là bàn tiệc của Chúa mà dân Thiên Chúa được mời đến tham dự.[18]

Hội Thánh trong cách dùng chữ của người Hy Lạp là “εκκλησία” nghĩa là những người được kêu gọi[19]. Nơi bàn thờ hiến tế của Đức Kitô, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta để gặp gỡ Người và gặp gỡ nhau[20]. Bàn thờ không chỉ là bàn tiệc Thánh Thể mà còn là chính Chúa Kitô[21] vì thế Giáo Hội tôn kính bàn thờ mỗi khi cử hành Thánh lễ và đòi buộc chúng ta phải tỏ lòng kính trọng đối với bàn thờ như chính Chúa Kitô.

Bàn thờ được coi như là trung tâm để quy tụ cộng đoàn Phụng Vụ. Đây là nơi cử hành niềm tin, cử hành hiến tế của Chúa, là ngôi mộ mà Chúa đã yên nghỉ và cũng được ví như ngưỡng cửa để bước vào những nhiệm mầu của Phụng Vụ và niềm tin Giáo hội[22].

Thiên Chúa không tách biệt dân riêng của Người để loại trừ các dân tộc khác, nhưng nhờ chứng tá của dân riêng, điển hình nơi mạng sống của các vị tử vì đạo, mà Thiên Chúa cho mọi dân nhận biết công trình cứu độ. Điều này được diễn tả cách độc đáo nơi ý nghĩa “gặp gỡ” của bàn thờ.

Xuyên suốt lịch sử, các thánh tử đạo tiếp tục sự tự hiến của Đức Ki-tô. Các thánh tử đạo giống như bàn thờ sống động của Hội thánh. Bàn thờ này không xây trên nền đá nhưng trên chính con người. Các thánh tử đạo là những bộ phận trong Thân thể Đức Ki-tô, vì thế nói lên một nghi lễ mới: Hy lễ là nhân loại đang trở nên tình yêu với Đức Ki-tô.[23]

Như thế, tình yêu Thiên Chúa không đóng khung Hội Thánh và Người trong cuộc gặp gỡ tại bàn thờ hiến tế trong Thánh Lễ, nhưng mở ra với toàn thể nhân loại. Điều này  được tiếp nối trong tâm và trí người luôn cầu nguyện, khiến họ được so sánh như một bàn thờ[24].

Khởi đi từ các ý nghĩa của bàn thờ và việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân thánh trong Cựu Ước, tôi đã tiếp nối bằng các ý nghĩa nơi Tân Ước, sau cùng là mở rộng nơi các bản văn Giáo lý và thần học. Tất cả những ghi nhận trên, thiết nghĩ, sẽ là tuỳ phụ – nếu không muốn nói là thừa thãi – nếu tôi không áp dụng vào chính đời sống đức tin của mình. Những ý nghĩa vừa được trình bày, một mặt là cơ hội để tôi hệ thống những gì được đọc, được biết, mặt khác còn là cơ hội để tôi khích lệ bản thân sống Phụng Vụ cách tích cực. Nhờ đó Phụng vụ không chỉ là hành vi thể hiện niềm tin của con người lên Thiên Chúa, nhưng qua cử hành Phụng vụ, con người được gặp gỡ Chúa và tha nhân, mà bàn thờ là một hình ảnh sống động và độc đáo.

 

—————————–

[1] Jay P. Green và ctg., The Interlinear Bible Hebrew-Greek-English (U.S.A.: Hendrickson, 2014), tr. 786.

[2] X. The New Strong’s expanded exhaustive concordance of the bible (China: Thomas Nelson, 2001), #2379 (Greek).

[3] X. W.E. Vine và ctg., An Expository Dictionary of New Testament Words (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 23.

[4] X. The New Strong’s expanded exhaustive concordance of the bible (China: Thomas Nelson, 2001), #4741 (Greek).

[5] X. William D. Mounce và ctg., Mounce’s complete expository dictionary of old and new testament words (China: Zondervan, 2006), tr. 17.

[6] X. W.E. Vine và ctg., Vine’s complete expository dictionary of old and new testament words (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 24.

[7] X. W.E. Vine và ctg., An Expository Dictionary of New Testament Words (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 24.

[8] X. The New Strong’s Expanded Dictionary of the Words in the Greek New Testament (China: Thomas Nelson, 2001), #1041.

[9] X. Raymond E. Brown và ctg., Jerome Biblical commentary (U.S.A.: Prentice Hall, 1968), #41.27, tr. 195.

[10] X. W.E. Vine và ctg., Vine’s complete expository dictionary of old and new testament words (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 3.

[11] X. Xavier Léon-Dufour, Dictionary of the New Testament (U.S.A.: Harper & Row, 1980), tr. 91.

[12] X. Raymond E. Brown và ctg., New Jerome Biblical commentary (U.S.A.: Prentice Hall, 1990), tr. 58.

[13] X. W.E. Vine và ctg., An Expository Dictionary of Old Testament Words (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 3.

[14] X. Raymond E. Brown và ctg., Jerome Biblical commentary (U.S.A.: Prentice Hall, 1968), #41.27, tr. 402.

[15] Bộ Giáo luật 1983, #1237.1.

[16] Ban Từ vựng Công giáo Uỷ ban Giáo lý Đức tin Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), tr. 43.

[17] X. Raymond E. Brown và ctg., New Jerome Biblical commentary (U.S.A.: Prentice Hall, 1990), tr. 879.

[18] GLHTCG, #1182.

[19] X. The New Strong’s expanded exhaustive concordance of the bible (China: Thomas Nelson, 2001), #1577 (Greek).

[20] X. GLHTCG, #1372.

[21] X. Kinh Tiền tụng V Mùa Phục sinh, Lễ Quy Rô-ma.

[22] Fr. Joseph Nguyễn Văn Hiển O.P., Đời sống Phụng Vụ của Giáo hội theo nghi thức Roma Phần Lịch sử Phụng vụ (Sài Gòn: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2017), tr. 184.

[23] Joseph Ratzinger, Tinh thần Phụng Vụ, Dg. Nguyễn Luật Khoa O.F.M, Phạm Thị Huy O.P. (Hà Nội: Tôn Giáo, 2007), tr. 88.

[24] X. GLHTCG, #2655.