CHÚNG TA, chứ không chỉ riêng mình tôi, ĐI TÌM CON CHÚA

8 January, 2019 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 773 Lượt xem

Anh em thân mến,

Bài suy tư này xoay quanh ngữ cảnh hướng về ngày lễ Chúa hiển linh với chủ đề CHÚNG TA, chứ không chỉ riêng mình tôi, ĐI TÌM CON CHÚA. Chất liệu để suy tư gồm ba nguồn văn, trong đó hai nguồn đầu trích từ Thánh Kinh kể về câu chuyện các mục đồng (x. Lc 2, 8-20) và các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Ngôi Hai (x. Mt 2,1-12), nguồn thứ ba sẽ là bản văn liên quan đến ơn gọi của tôi và của anh em trong đời sống tu trì. Cả ba nguồn này sẽ giúp tôi và mọi người thấy được thế nào là CHÚNG TA, thế nào là ĐI TÌM và thế nào là CON CHÚA.

Câu chuyện đầu tiên liên quan đến sửu nhi, hay còn gọi là trẻ trâu. Không biết anh em kinh nghiệm thế nào về những trẻ chăn trâu, riêng tôi, tôi đau đầu, “nhức tróc” khi nghĩ đến những trò khuấy động không giới hạn. Cái sợ duy nhất của những trẻ ngồi trên lưng trâu, đó là sợ không có đối thủ. Thú vui tao nhã của họ chính là leo rào, vặt bắp, hái trái cây không phải để ăn, mà là để lập chiến tích. Ngon lành gì những kiểu ăn vừa hái vừa chạy, nhưng đó lại là những khoảnh khắc đầy thú vị tuyệt vời, còn hơn cả những thứ đắt tiền mẹ mua ở chợ. Nếu chưa một lần đối mặt với bọn làng trên xóm dưới đến kiếm chuyện, gây gỗ, thì chúng ta bỏ qua một tình tiết hăng máu anh hùng nơi các trẻ mục đồng. Tắt một lời, trẻ trâu chẳng biết sợ là gì! Thế mà, ngay đêm Chúa giáng sinh, trong lúc tất cả mục đồng đang tỉnh thức trông chừng đàn vật, có thể nói tập trung cao độ, tư thế luôn sẵn sàng sống chết với bất cứ đối tượng nào xâm nhập lãnh thổ, thì họ lại hoảng sợ trước sự xuất hiện của các thiên thần. Trời, họ không sợ, đất, cũng chẳng sợ, vậy mà hồn xiêu phách lạc nơi khoảnh khắc ấy. Nếu đám trẻ trâu sợ hãi đến thế, thì đó thật là đáng sợ! Cũng lạ, sợ là thế, mà sau khi các thiên thần biến mất thì cả nhóm lại chẳng ở yên, họ tò mò: “Nào, chúng ta sang Bê-lem” (Lc 2,15a). Tạm dừng nơi chi tiết này, tôi khám phá ra một điểm thú vị: trong nỗi sợ hãi, nếu tôi ở một mình thì sợ càng thêm sợ! Nhưng nếu tôi đặt mình vào tập thể, thì nỗi sợ tìm được cách giải quyết. Tập thể những người cùng lý tưởng, cùng hoàn cảnh, cùng cách sống chính là môi trường để vượt qua sợ hãi. Câu chuyện thứ hai bàn về các nhà chiêm tinh. Các ông cùng đi, nhưng cả tập thể lại rơi vào bế tắc. Khoảnh khắc ấy, ánh sáng Lời Chúa là chìa khoá để các ông giải quyết vấn nạn.

Điểm thú vị nơi bản văn về các nhà chiêm tinh, ngoài việc cùng nhau nương tựa vượt qua khó khăn nơi đời sống tập thể, thì yếu tố TA và CHÚNG TA được phơi bày cách rõ ràng qua động từ ĐI TÌM. Các nhà chiêm tinh cùng nhau lên đường đi tìm vị Vua mới sinh. Họ đi trong tập thể với mục đích và cách thức rõ ràng. Thế còn Hê-rô-đê, ông cũng đi tìm, nhưng lại tách mình khỏi tập thể với mục đích và cách thức rất riêng tư. Nhìn lại đời thực, khi làm một việc gì đó riêng tư, thì yếu tố chiếm hữu tiêu cực là mục đích quan trọng. Hê-rô-đê muốn chiếm hữu ngai vàng theo thời gian, nên cách thức của ông đi tìm hài nhi là cách, tạm gọi là, “hớt tay trên của người khác”. Tóm lại, khi cùng làm một công việc, thì đó là sự san sẻ, còn khi làm việc một mình, thì đó là chiếm hữu tiêu cực. Nếu nói như thế, thì vai trò của cá nhân trong tập thể chỉ là hình thức “hùa theo” thôi sao? Một khi sống trong tình trạng “hùa theo” thì giá trị bản thân bị đánh mất và dần dần loại mình khỏi cuộc chơi khi thấy tập thể rơi vào khó khăn. Chính trong vấn nạn này, mà động từ ĐI TÌM đã giải quyết cách tuyệt vời. Chưa bao giờ thế giới ngừng lên án những kẻ cầm quyền vô dụng, bất tài, lên án những kẻ sĩ mua bằng cấp, những kẻ lươn lẹo trong kinh doanh thất đức. Mục đích của họ là chiếm hữu bất chính, chỉ cho riêng mình, nên bất chấp mọi thủ đoạn. Thay vì nhọc công, vượt qua những khó khăn để tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức và thành công chân chính, thì họ lại bỏ các giai đoạn đó, nói theo kiểu báo chí là “sai qui trình”. Cuối cùng, cái họ chiếm hữu không là của họ, mà chỉ là vay mượn trên sức lực người khác. Đời có vay, có trả! Trở lại với động từ ĐI TÌM, đây là một tiến trình “đúng qui cách”. Khi dấn thân vào hành trình này, từng cá nhân cảm nghiệm mọi khoảnh khắc đã và đang vượt qua. Cho nên, lỡ sau này, đã tìm được mà vụt mất, thì chính cá nhân ấy biết cách tìm lại. Thế đấy, ĐI TÌM trong chủ đề chia sẻ hôm nay là một động từ của chủ ngữ CHÚNG TA (CHÚNG TA ĐI TÌM CON CHÚA), nhưng lại mang đậm hình ảnh của từng cá nhân trong tiến trình. Khi cá nhân dùng mọi tài năng và nỗ lực của mình để hoà với một tập thể cùng mục đích, cùng ý hướng, cùng lý tưởng, thì cá nhân ấy không cô đơn, không lẻ loi, không hụt sức. Nếu cá nhân không chấp nhận hoà vào tập thể ấy, thì dù có nỗ lực cách mấy, cũng chỉ là bị cách ly, tách biệt và đơn độc. Tập thể không phủ nhận tài năng nhưng mời gọi hoà nhập, không ủng hộ lười nhác nhưng tạo điều kiện cho việc chung.

Sau khi đã lướt qua những chi tiết về CHÚNG TA và ĐI TÌM, giờ đây là phần suy tư về CON CHÚA. Nội dung chính của lời loan Tin Mừng của các Thiên thần: Đấng Cứu Độ là Đức Kitô, Đức Chúa, đã sinh ra. Trong bản văn Hy Lạp, cả ba chữ này đều ở thể chủ ngữ, nghĩa là từng từ trong cả ba đều có vai trò giống nhau, từ này bổ nghĩa cho hai từ còn lại. Đây là điểm thú vị. Biến cố Nhập Thể thường nhấn mạnh vào sự xuất hiện của Ngôi Con, điều này đúng, nhưng chưa đủ. Từ ngữ Đức Chúa góp phần mời gọi chiêm ngắm dung nhan của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong văn hoá Việt Nam, khi gọi những con trẻ trùng tên nhau, hàng xóm thường gắn tên con với tên bố, tên mẹ và cả ngóc ngách nhà cửa. Chẳng hạn như “thằng Sơn con nhà Nam”, “con Diễm nhà cái Hằng xóm trên”… Tên gọi được gắn thêm nguồn gốc, xuất xứ là điều giúp xác định đối tượng cách dễ dàng và cụ thể. Văn hoá Thánh Kinh khá giống với văn hoá dân tộc Việt trong chi tiết này. Gọi tên Đấng Cứu Độ gắn liền với gốc tích và xuất xứ của Người: Đức Kitô, Đức Chúa. Đấng ấy đã sinh ra và ban ơn bình an, ơn cứu độ. Niềm vui Giáng sinh dễ dàng bị trần tục hoá nếu như bản thân Kitô hữu không tìm được ý nghĩa thiêng liêng liên quan đến mình. Những ai đã từng đối mặt với pháp đình, ắt hẳn sẽ hiểu thế nào là tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Nhiều cuộc hẹn ở toà án, nhiều lần triệu tập, nhiều lần đối chất khiến ý chí, sức lực và tâm trí bị hao mòn, mệt mỏi. Bình an là món quà xa xỉ trong những ngày tháng đó. Thiết nghĩ, có những lúc tôi phải đối mặt với toà án lương tâm tôi. Nhịp sống xã hội ồn ào náo động khiến tôi đánh lừa chính bản thân mình bằng một trạng thái bình an giả tạo. Bỗng đâu, trong thinh lặng cuộc đời nơi ánh mắt vô tình nhìn thấy người nghèo, người vô gia cư, bệnh nhân nằm la liệt nơi hành lang bệnh viện… toà án lương tâm lên án tôi. Biến cố Chúa giáng sinh sẽ không bị trần tục hoá nếu tôi còn khao khát bình an đích thực cho tâm hồn mình, cho anh chị em mình. Tôi chợt nhận ra: mình cần Chúa. Chúa chỉ trở thành Đấng Cứu Độ nếu tôi để cho Chúa cứu độ. Khi đã cảm nếm bình an cứu độ, tôi không giữ riêng cho mình, nhưng san sẻ với tập thể, tha nhân vì tôi biết mình thuộc về CHÚNG TA.

Cuối cùng, bản văn thứ ba được sử dụng sau đây có hai mục đích: trước là, như đã giới thiệu, sẽ là bản văn liên quan đến đời sống ơn gọi của tôi và của anh em trong đời sống tu trì qua Hiến pháp của Dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử trong ngày kỷ niệm thành lập Dòng hôm nay; sau là, thay cho lời kết bài suy niệm để chúng ta đem những gì vừa trao đổi đi vào đời thực của từng người trong tập thể CHÚNG TA: “Qua việc tận hiến, chúng ta, các Tôi Tớ Đấng Bầu Cử, một hội dòng giáo sĩ bao gồm linh mục và sư huynh, nhắm đến sự xác quyết giao ước Thanh Tẩy mãi mãi sâu sắc hơn. Vì thế, trong đời sống tận hiến hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa và dân Người và để cùng nhau thăng tiến bản thân trong Chúa bên trong một hội dòng được Hội Thánh phê chuẩn, chúng ta cam kết thực hiện các lời khuyên Phúc Âm qua các lời khấn công khai: Khó Nghèo, Khiết Tịnh và Vâng Phục, theo Hiến Pháp này. Không phải vì sợ hãi mà chúng ta ký kết giao ước này, nhưng với sự thanh thản tin tưởng rằng Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta, chính Người sẽ giúp chúng ta trung thành và hoàn thành công trình tình yêu mà Người đã khởi sự nơi chúng ta” (Hiến pháp, #2).

 

Sài Gòn, 0h, ngày 05 tháng 01 năm 2019.

Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.