“Thầy úi ùi ui, dạy tụi con cầu nguyện…”

10 December, 2018 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 932 Lượt xem

“Thầy úi ùi ui, dạy tụi con cầu nguyện…” (x. Lc 11, 1)

[dropcap]X[/dropcap]in gì không xin, lại xin học cầu nguyện. Trong khi đời sống người môn đệ không giàu sang phú quí, lại chẳng có “nghề ngỗng” ra trò, họ chẳng thiết tha gì chuyện cơm, áo, gạo, tiền nhưng lại tìm một bậc thầy để học cầu nguyện. Đức Giê-su cầu nguyện xong, các môn đệ tiến đến. Rõ ràng các ông tò mò! Cách hỏi của các ông vịn vào lý do “như Gioan dạy các môn đệ ông cầu nguyện” (câu 1), nhưng tiến trình hội thoại không thể giấu được sự quan sát của các ông với hành vi vừa hoàn thành của Thầy. Sức hút nơi cách cầu nguyện của Đức Giê-su phải khác và mãnh liệt hơn Gioan, thì các môn đệ mới tìm và học nơi Đức Giê-su. Một cách liên tưởng, iPhone phải có công nghệ tiên tiến thế nào, thì thiên hạ mới đua nhau tẩy chay Nokia. Trên con đường thiêng liêng cũng thế, tôi cần dành thời gian quan sát để cập nhật công nghệ thiêng liêng đang được ưa chuộng. Phải chăng ngày nay ít ai để ý chuyện cầu nguyện nên nghệ thuật cầu nguyện không được chú ý và lan rộng. Trong lặng thinh lúc này, các môn đệ Đức Giê-su tò mò, khiến tôi cũng tò mò, mong ước độc giả cùng tò mò, để chúng ta cùng nhau học nghệ thuật cầu nguyện của Đức Giê-su.

Khi bắt đầu câu truyện, tác giả Lu-ca dùng động từ “nói” để đặt vào lời ngỏ của môn đệ ẩn danh. “Nói” sang tiếng Hy Lạp một chút nhé, đây là từ “επω” /e-pô/, một động từ chỉ hành vi nói nhưng không nghĩ cần hồi âm cụ thể. Bạn có thể liên tưởng đến tình huống khi ngồi trên xe máy, tên ngồi phía sau nói thao thao với tên cầm lái. Ây da, lúc này tài xế đang chăm chú nhìn đường nên khó lòng hồi âm cho trọn vẹn câu chuyện. Vậy mà Đức Giê-su tiếp lời, “khi cầu nguyện, anh em nói….”. Chữ “nói” trong câu văn này lại khác, đó là chữ “λέγω” /lé-gô/. “Oh yeah”, một sự khẳng định rất tinh tế của tác giả Lu-ca, vì đây là động từ diễn tả sự chú ý lắng nghe của người nghe và sự rành mạch trong câu văn của người nói. Một phút để tưởng tượng bắt đầu, bạn có thể dùng từ này áp dụng cho trường hợp bạn “nói” /lé-gô/ với người đang phỏng vấn để cấp visa đi Mỹ cho bạn; họ nghe từng từ, họ chú ý từng cử chỉ! Văn hoá Hy Lạp không có khái niệm cầu nguyện với thần linh. Đối với họ, thần linh và con người chỉ giao tiếp với nhau bằng vật dâng cúng. Con người cống nạp cho thần linh để yên ổn, không bị quấy phá, sách nhiễu. Động từ “cầu nguyện” trong bản văn Hy Lạp mà các tác giả Thánh Kinh sử dụng là “προσεύχομαι” /p-ro-se-u-kho-mai/  là từ ghép của hai từ “προς” /p-ros/ và “ευχομαι” /êu-kho-mai/. Động từ này mặc dù được viết bằng tiếng Hy Lạp, nhưng lại được hiểu theo kiểu Do Thái. Bạn có thể liên tưởng đến từ “mạc khải” hoặc “mặc khải” mà người Công giáo Việt Nam sử dụng. Từ này không có trong tiếng Hán. Tiếng Hán có chữ “khải thị”, nhưng Việt Nam không quan tâm “khải thị” (mở mắt, mở rộng cách nhìn) vì không nói lên được chính xác điều cảm nghiệm bằng văn hoá Việt, nên Công giáo Việt Nam ghép thành từ Hán Việt “mạc (hay “mặc”) khải”, nghĩa là vén màn, tỏ lộ điều huyền bí. Trở lại với cách ghép từ trong bản văn Thánh Kinh, /p-ros/ nghĩa là hướng đến hoặc chuyển tiếp, /êu-kho-mai/ là động từ ước nguyện, cầu chúc. Như thế, cách ghép từ “cầu nguyện” mang nghĩa: hướng đến ước nguyện hoặc chuyển tiếp ước nguyện. Trước tiên, hướng đến ước nguyện vì điều mình mong ước nằm ngoài khả năng bản thân lúc này, nên mình tìm đến một địa chỉ mà chắc chắn điều ước nguyện đang ở “địa chỉ ấy”. Với người Công giáo, “địa chỉ ấy” là Thiên Chúa. Kế đến, chuyển tiếp ước nguyện, bạn có thể liên tưởng đến việc chuyển tiếp một “email” – thư điện tử – nơi đây sẽ có người nhận cụ thể; như vậy ước nguyện của bạn được gửi đến một đối tượng cụ thể sau khi bạn đã ngỏ lời với Thiên Chúa. Trong giây phút này, tôi ý thức việc tôi cầu nguyện chính là một mối thân tình giữa tôi với Chúa. Chúa sẵn lòng nghe từng từ nơi điều ước nguyện mà tôi thưa lên.

Bản văn Lu-ca không viết Kinh Lạy Cha như Ki-tô hữu thường đọc, nhưng là bản rút gọn. Bài suy tư này không nhắm đến chi tiết từng ý, nhưng mong muốn ngắm nhìn tổng thể. Không biết từ lúc nào, Ki-tô hữu cụ thể hoá ngày phán xét với cách diễn đạt một Thiên Chúa uy nghi, “hoành tráng”, ngồi chiễm chệ với quyền năng thưởng và phạt. Phải chăng lối diễn tả nơi ngôn ngữ huyền bí của sách Khải huyền và sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en khiến chúng ta “sợ” một Đấng ngồi trên ngai với hàng vạn hầu cận quanh ngai đến nỗi bỏ quên những hình ảnh khác của ngày phán xét? Bản văn kinh Lạy Cha chúng ta đang suy gẫm, nhắc đến các lời nguyện liên quan đến danh Chúa, triều đại Chúa, nhưng cũng đề cập đến lương thực và tha thứ! Thánh Kinh không chỉ là sự nghèo nàn của con số 2 nơi 2 sách Khải huyền và Ê-dê-ki-en, nhưng là một tập hợp phong phú của 73 quyển sách thống nhất. Các bản văn I-sa-i-a nói đến “núi của Chúa”, nơi đó xoá bỏ khăn tang chết chóc, đến ăn cao lương mỹ vị, uống sữa và các thức uống khác mà không phải trả tiền, thời đó không còn chiến tranh, rèn giáo mác nên công cụ lao động, con người và thiên nhiên hoà hợp. Như thế há chẳng phải là tha thứ, lương thực, danh Chúa và nước Chúa đang đề cập trong kinh Lạy Cha đấy sao? Sự uy nghiêm của thể văn huyền bí không thể bị tách rời khỏi sự an lành trong các văn bản khác của Thánh Kinh. Người tín hữu cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, nhằm ý thức hành vi của mình: xin Chúa giúp biến cuộc đời thành nơi tha thứ, đủ lương thực, như thế những lời huyền bí về sự đánh phạt chỉ còn mang tính chất răn dạy cho những người “cứng đầu”. Nói cách khác: những lời vắn tắt trong bản rút gọn của kinh Lạy Cha này chính là hình ảnh của thiên đàng ngay chính trần gian này.

Các môn đệ của Đức Giê-su có lý, khi các ông xin học cầu nguyện. Bám víu vào vật chất, con người khép kín lòng mình, bất an với những mật khẩu ngân hàng và những toan tính lừa lọc. Nhờ bài học của cầu nguyện, các ông biết được một nghệ thuật tìm đến bình an của nhẹ nhõm trí lòng và tha thứ, tìm kiếm lương thực dùng đủ, cũng như cùng làm lan toả danh Chúa qua sự tỏ lộ hạnh phúc, bình an.

Nào, hiệp thông trong lời cầu nguyện và cùng nhau hợp tác với Chúa trong việc thực hành cầu nguyện nhé!

 

Deo gratias,

Br. EVANGELII NUNTIANDI, s.P.