Ý nghĩa của nghi thức làm phép và rước lá trong ngày Chúa nhật lễ Lá

28 March, 2021 Tôi Tớ Đấng Bầu Cử 796 Lượt xem

Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.

 

Chúa nhật lễ Lá vừa là ngày khai mạc tuần Thánh, vừa là ngày Chúa nhật Thương khó vì tưởng niệm Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a để chịu khổ nạn trong mầu nhiệm Vượt Qua[1]. Điều đặc biệt nơi phụng vụ trong Chúa nhật này chính là nghi thức làm phép và rước lá. Tác giả bài viết muốn tổng hợp các ý tưởng của một số học giả, đặc biệt là Joseph Ratzinger – Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI – trong các sách và các bài nói chuyện, chia sẻ của Ngài[2] về một số ý nghĩa hình thức thứ nhất của việc làm phép và rước lá, đồng thời nêu lên suy tư liên hệ đến các bản văn Kinh Thánh được sử dụng trong nghi thức nhằm hướng tâm tình tham dự phụng vụ thêm sốt sắng. Khi đã hiểu biết về ý nghĩa của các cử hành phụng vụ thì việc nhận, giữ gìn và trưng bày lá trong gia đình sẽ không mang yếu tố mê tín, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa.

Khởi đầu nghi thức làm phép lá là điệp ca trích từ Tin Mừng Mat-thêu (21,9)[3], vừa là lời ca ngợi của dân chúng trong bối cảnh Đức Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem năm xưa nhằm ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Da-ca-ri-a (9,9), vừa là những bước tiệm tiến trong niềm tin của các Ki-tô hữu trong cộng đoàn mà Tin Mừng Mat-thêu được viết ra[4]. Bởi lẽ, khởi đi từ danh xưng “Thái tử nhà Đa-vít”, Tin Mừng Mat-thêu dần chuyển sang cấp độ cao hơn: “Vua Ít-ra-en”, tiếp đến là danh xưng liên quan đến Đức Chúa: “Đấng ngự đến nhân danh Chúa” và cao điểm ở lời tung hô chính Thiên Chúa: “hoan hô Chúa trên các tầng trời”. Sự thay đổi tăng dần mức độ cao trọng của danh xưng dành cho Đức Giê-su thể hiện “người ta nhìn ra trong sự việc đó mối liên quan tới vương quyền và những lời hứa”[5]. Tuy nhiên, cách hiểu về vương quyền và lời hứa của dân chúng hoàn toàn khác với mầu nhiệm mà Đức Giê-su mặc khải, là điều được liên kết chặt chẽ với bài Thương Khó được đọc trong chính Thánh Lễ này[6]. Do đó, trước đây còn gọi Chúa nhật Lễ Lá là Chúa nhật Thương khó[7].

Sau phần điệp ca là lời mời gọi dẫn nhập làm phép lá. Điểm đặc biệt cần chú ý chính là lời nguyện thánh hiến lá. Có hai mẫu lời nguyện để chủ sự chọn lựa, tuy khác nhau về ngôn từ trình bày nhưng lại giống nhau về ý nghĩa chuyển tải. Cả hai lời nguyện đều mượn hình ảnh những người cầm lá để cầu xin cho cộng đoàn đang tụ họp cũng được hoan nghênh Đức Giê-su vinh hiển khải hoàn ngày cánh chung. Như thế, những cành lá được làm phép hôm nay không mang ý nghĩa của bùa ngãi hộ mệnh, cũng không phải là vật dụng trừ tà, nhưng là biểu tượng “để chúng con cầm mà hoan nghênh Đức Giê-su là Vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu”. Hơn nữa, qua hình ảnh của lá vừa được thánh hiến là dấu chỉ “cho chúng con được sống kết hợp với Người như cành liền cây hầu sinh hoa kết quả”[8]. Lá sau khi làm phép được tín hữu đặt nơi trang trọng tại tư gia nhằm nhắc nhớ các ý nghĩa vừa liệt kê. Lá này được thu lại vào đầu mùa Chay năm sau để đốt thành tro và được làm phép để sử dụng trong nghi thức sám hối ngày thứ Tư lễ Tro[9]. Sau lời nguyện trong nghi thức làm phép lá, “linh mục thinh lặng rảy nước thánh trên lá”[10]. Khoảng thinh lặng này tuy ngắn ngủi nhưng giàu ý nghĩa và mang tính chất đặc thù. Bởi vì sau lời nguyện của chủ sự, việc rảy nước thánh nhằm diễn nghĩa như dấu chỉ hữu hình của chính Thiên Chúa chủ động trong toàn bộ nghi thức này. Chính Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI, khi còn là Hồng Y đã khẳng định:

Chúng ta phải đi vào trong nơi sâu thẳm của thinh lặng, nơi đó mầu nhiệm cao cả, vượt trên mọi lời nói của nhân loại, sẽ được thông ban. Việc làm này rất quan trọng… Thiên Chúa, trên hết, là sự thinh lặng tuyệt đối… Nếu như không có thinh lặng để chúng ta đi vào chiều sâu của lời nói, những lời nói ấy sẽ không thể hiểu được. Trong phụng vụ, sự hiện diện của mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, cũng phải là nơi chúng ta có thể đi vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta.[11]

Sau đó là phần công bố bài Tin Mừng về việc Chúa vào thành. Các phân đoạn Kinh Thánh được sử dụng trong lúc này có mối liên hệ nối kết với bài Thương khó sẽ đọc trong Thánh Lễ. Niên lịch Phụng vụ năm A và năm C đều sử dụng bản văn của cùng một tác giả Tin Mừng cho đoạn Kinh Thánh trong nghi thức làm phép lá và bài Thương khó: năm A trích đọc Tin Mừng Mat-thêu (trình bày tư cách Mê-si-a của Đức Giê-su theo các nối kết với Cựu Ước nhằm khẳng định việc ứng nghiệm các tiên báo về người tôi tớ đau khổ[12]) và năm C là Tin Mừng Lu-ca (giới thiệu Đức Giê-su là Vua muôn vua: không phân biệt dân ngoại và dân It-ra-en, vua của khiêm hạ và thương xót mọi tầng lớp, mọi hạng người, kể cả người tội lỗi cùng chịu đóng đinh và những người tra tay hại mình[13]). Riêng năm B, có hai lựa chọn cho bài Tin Mừng trong nghi thức làm phép lá: Tin Mừng Mac-cô (nội dung phân đoạn này giới thiệu Đức Giê-su là Con Thiên Chúa mang đến vương quốc Thiên Chúa cho nhân loại[14] và hướng đến cánh chung[15]) hoặc Tin Mừng Gio-an (trình bày đức tin của người môn đệ chỉ nhận ra chân tính của Đức Giê-su khi Người được “tôn vinh” không phải trong ngày vào thành nhưng là sau ngày phục sinh[16]), và bài Thương khó theo Tin Mừng Mac-cô.

Các trình thuật Tin Mừng được công bố trong nghi thức làm phép lá nhắc đến các yếu tố: con lừa, lá, áo choàng và lời tung hô. Mỗi chi tiết đều có liên hệ chặt chẽ với nghi thức phụng vụ đang cử hành. Trước tiên là hình ảnh lừa con, một liên hệ nhắc lại câu truyện trong Cựu Ước “Hãy đưa các bề tôi của Vua các ngươi đi theo các ngươi; hãy bế Salomon con ta lên lưng con la của ta, rồi đưa nó xuống Ghikhôn. Ở đấy tư tế Xađốc và ngôn sứ Nathan sẽ xức dầu phong nó làm vua Israel” (1V 1,33)[17] và ứng nghiệm lời tiên báo qua lời ngôn sứ Da-ca-ri-a đã đề cập bên trên diễn tả chức vụ vương đế gắn liền với hoà bình, khiêm nhường và từ ái[18]. Đồng thời, Giáo Hội mặc lấy ý nghĩa mầu nhiệm nơi hình ảnh tiên trưng của sự kiện này:

Đối với Giáo Hội đang hình thành, ngày Chúa nhật lễ Lá chẳng phải là điều gì hoàn toàn thuộc vào quá khứ. Ngày xưa Chúa cởi lừa bước vào thành thánh thế nào, thì Giáo Hội nay nhìn thấy Người luôn đang hiện diện cách mới trong dạng khiêm tốn của bánh rượu.[19]

Trong văn hoá và truyền thống Do-thái, lá chính là một trong những biểu tượng của sự sống và sự vinh thắng, đặc biệt là nhành lá thiên tuế. Địa chất khu vực Pa-let-tin ít đất màu mỡ cho trồng trọt nông nghiệp, đa phần là đá và sỏi, do đó cây cối xanh tốt vừa là dấu hiệu của sự sống dồi dào, cũng vừa đáng trân trọng và giữ gìn. Trong các sự kiện long trọng, người dân không ngần ngại sử dụng lá, dù cho cây cối ít ỏi, để tôn vinh và biểu lộ niềm vui.[20]

Việc trải áo choàng “cũng đã có truyền thống trong vương quốc Israel (x. 2V 9,13)”[21]: áo choàng chính là dấu chỉ của danh dự; khi trải áo choàng lên lưng lừa con, cũng như lát áo choàng trên đoạn đường vào thành, các môn đệ và dân chúng vừa tôn vinh uy quyền của vị vua trên chính danh dự của họ, vừa đặt mạng sống họ dưới vương triều của vị vua. Ki-tô hữu được nhắc nhớ về uy quyền của Thiên Chúa khi liên hệ đến chi tiết này của Kinh Thánh.

Nghi thức làm phép lá được kết thúc bằng việc rước lá vào nhà thờ với những lời từ dân Do-thái khi xưa để tung hô nghênh đón Đức Ki-tô. “Đó là tiếng vui mừng ngợi ca Thiên Chúa trong khi chân họ tiến bước”.[22]

Xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI vừa thay cho lời kết, vừa là tâm tình tín hữu hướng đến để ý thức rằng từ những bước chân trong đoàn người rước kiệu lá, cộng đoàn bước vào thánh đường để gặp Đức Giê-su trong cử hành Thánh Lễ:

Giáo Hội chào đón Người trong bí tích Thánh Thể như là Đấng giờ đây đang đến giữa Giáo Hội. Và Giáo Hội đồng thời chào đón Người như là Đấng luôn mãi đang đến và đang dẫn ta hướng về ngày quang lâm của Người. Chúng ta như khách hành hương đến với Người; Người cũng đến với ta như khách hành hương, đón nhận và đưa ta cùng đi “lên” thập giá và Phục Sinh, đi tới Giêrusalem cùng đích.[23]

———————————

[1] X. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập vào Kitô giáo, Dg. Lm. Phao-lô Nguyễn Luật Khoa OFM (Tp.HCM.: Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, 2009), tr. 178-179.

[2] X. thư mục.

[3] Sách Lễ Rô-ma, Bd. Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, ấn bản mẫu thứ hai (Tp.HCM.: Lê Quang Lộc, 1992), tr. 234.

[4] X. Nelson và ctg., Nelson’s complete book of bible maps & charts old and new testaments (U.S.A.: Thomas Nelson, 1996), tr. 313.

[5] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II, Dg. Phạm Hồng Lam (Hà Nội: Tôn giáo, 2011), tr. 14.

[6] X. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Dg. Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam (Hà Nội: Tôn giáo, 2011), tr. 215.

[7] X. M. Righetti, La Domenica de Passione o Domenica in Palmis, bộ sách phụng vụ số 2 (Milano: Ancora, 1969), tr. 184-195.

[8] Sách Lễ Rô-ma… tr. 235.

[9] X. Sđd., tr. 183.

[10] Sđd. tr. 236.

[11] HY. Robert Sarah và Nicolas Diat, Sức mạnh của thinh lặng, Dg. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn (Đồng Nai: Đồng Nai, 2019), tr. 225.

[12] X. Joseph Ratzinger, Journey towards Easter, (England: St Paul, 1987), tr. 103.

[13] X. Gh. Benedict XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, tập II: Tân Ước, Dg. và Bs. Vương Nghi – Khổng Thành Ngọc (Hà Nội: Tôn Giáo, 2013), tr. 95-96.

[14] X. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, phần I, Dg. Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh (Hà Nội: Tôn giáo, 2011), tr. 101.

[15] X. Joseph Ratzinger, Cánh chung luận, Dg. Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2013), tr. 142 và 147.

[16] X. Fulton J. Sheen, Life of Christ (India: Asian Trading Corporation, 2009), tr. 261.

[17] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II… tr. 16.

[18] X. Raymond E. Brown và ctg., New Jerome Biblical commentary (U.S.A.: Prentice Hall, 1990), tr. 619.

[19] Sđd., tr. 22.

[20] X. Xavier Léon-Dufour, Dictionary of the New Testament (U.S.A.: Harper & Row, 1980), tr. 33.

[21] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II… tr. 16.

[22] Sđd., tr. 18.

[23] Sđd., tr. 22 và 23.